Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho các hợp tác xã

Bạch Thanh| 13/04/2023 07:16

(HNM) - Cả nước hiện có khoảng 30.000 hợp tác xã, trong đó có 60% số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã) vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách đất đai, vốn… Do đó, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý, kỳ vọng sẽ gỡ khó để các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sản xuất rau mầm công nghệ cao tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Còn nhiều khó khăn

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, mặc dù các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo được liên kết trong sản xuất, song vẫn rất khó khăn để vay vốn.

Thực tế cho thấy, thế chấp vay vốn bằng đất nông nghiệp thường định giá thấp, tài sản trên đất có giá trị thì không đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm khi vay. Ngoài ra, việc tiếp cận các quy định về chính sách đất đai hiện hành rất khó khăn…

Với hơn 200ha rau an toàn, mỗi ngày Hợp tác xã Rau an toàn Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) cung cấp cho thị trường 50 tấn rau các loại, nhưng hợp tác xã vẫn chưa có nhà xưởng hay khu sơ chế đóng gói sản phẩm rau an toàn đạt chuẩn. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Minh cho biết, việc triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản gặp rất nhiều vướng mắc. Với năng lực quản trị của hợp tác xã, không thể giải quyết được các thủ tục pháp lý, như thành lập dự án, thực hiện đấu thầu, chuyển đổi mục đích sản xuất…

Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) có quy mô sản xuất hơn 2ha cũng gặp vướng mắc trong chuyển đổi đất đai phục vụ sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, theo quy định, hợp tác xã chỉ có thể dựng tạm lều lán rộng 10-20m2 để làm nơi chứa vật tư. Trong khi đó, Hợp tác xã Thanh Hà lại chuyên sản xuất rau mầm công nghệ cao, rất cần có nhà xưởng, khu sơ chế đóng gói sản phẩm chuyên nghiệp. Hơn nữa, công trình trên đất của hợp tác xã là nhà màng, nhà lưới công nghệ cao…, với giá trị tài sản rất lớn, nhưng cũng không được ngân hàng đồng ý là tài sản thế chấp để vay vốn.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thống Nhất (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Vũ Xuân Thăng, thành phố Hà Nội đã cho phép 160 xã viên của hợp tác xã được góp đất nông nghiệp để xây dựng chợ Phùng Khoang, hoạt động đến nay là 20 năm, nhưng vẫn chưa thể xây dựng hay cải tạo lại khu chợ vì là nguồn gốc đất nông nghiệp. Với quy định như hiện nay, phải thực hiện quy trình thu hồi đất, tổ chức đấu thầu, thành lập dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…; tất cả những việc này đều vượt khả năng của đơn vị.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh thông tin, hiện vẫn chưa có một cơ quan, đơn vị nào giúp các hợp tác xã kiểm toán, kể cả kiểm toán nội bộ, qua đó chứng minh năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng các tiêu chí của hợp tác xã tiếp cận vốn của tổ chức tín dụng.

Sẽ có nhiều chính sách đột phá

Để gỡ khó về vốn, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang lấy ý kiến đã có một số điều chỉnh, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho hợp tác xã, như ưu đãi vay vốn hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ bảo lãnh tín dụng và cho phép sử dụng quỹ chung để gửi tiết kiệm hoặc làm tài sản bảo đảm khi vay vốn.

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn thông tin, Điều 54 dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã đề cập đến việc các hợp tác xã được phép hoạt động tín dụng nội bộ. Đây là một điều rất mới, giúp các hợp tác xã tiếp cận đa dạng các loại hình tín dụng. Mặt khác, trong dự thảo đã có một chương về các vấn đề kiểm toán cho các hợp tác xã, giúp minh bạch hóa tài sản cũng như năng lực tài chính của hợp tác xã.

Về các điều kiện để chuyển đổi một phần đất nông nghiệp của hợp tác xã sang làm kho, nhà xưởng, nhà sơ chế, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thúy cho rằng, đây là nhu cầu chính đáng của các hợp tác xã, rất cần các luật khác liên quan nghiên cứu theo hướng cho phép sử dụng đa mục đích trong đất nông nghiệp. Nghĩa là hợp tác xã được phép xây dựng nhà sơ chế trên một vùng sản xuất nhất định, phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng của hợp tác xã và tài sản này được đánh giá, công nhận bình đẳng như các tài sản cùng loại, không có sự phân biệt.

Còn theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, mỗi hợp tác xã liên quan đến hàng trăm thành viên khác và tài sản của các thành viên không phải là tài sản chung của hợp tác xã. Do vậy, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã đề cập tới vấn đề ủy quyền cho hợp tác xã được khai thác, sử dụng tài sản này. Mặt khác, Điều 113 của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng đề cập đến việc Nhà nước tạo điều kiện thông qua việc giao, cho thuê… và giảm thuế, giảm phí, giảm tiền thuê đất cho các hợp tác xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho các hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.