Góc nhìn

Gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số

Đình Hiệp 15/02/2024 - 06:09

Đến nay đã có 19 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với 14,5 triệu dữ liệu; 450/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai. Trong đó, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 5.142 điểm bưu điện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến; hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 5 ngân hàng.

Số liệu thống kê trên cho thấy hiệu quả tích cực sau hơn 2 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), góp phần tạo đột phá để xây dựng chính phủ số, mang lại nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án 06. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai Đề án còn chậm. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức. Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi chưa thực sự được quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương còn manh mún, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11-2-2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 với các nhóm giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, đơn vị cần thực hiện cả trước mắt cũng như thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục các nhiệm vụ chậm tiến độ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Để triển khai Đề án 06 thành công đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, đơn vị nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã được nêu ra. Trước hết, các đơn vị liên quan cần rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao để ban hành, sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ kết nối, khai thác dữ liệu giữa Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Tiếp đó là đẩy nhanh tốc độ số hóa dữ liệu kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, điều hành của chính quyền, lãnh đạo các cấp; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để tích hợp những tiện ích lên ứng dụng VNeID phục vụ nhân dân, doanh nghiệp...

Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử; các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy rõ sự tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, tham gia thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.