Sức khỏe

Giúp trẻ giảm cân an toàn

Thu Trang 23/08/2023 - 07:20

Mới đây, một bệnh nhi 13 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sau một tháng uống một loại thuốc hỗ trợ giảm cân. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường.

Từ trường hợp này, các chuyên gia y tế cho rằng, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh… Hiện nay, thuốc giảm cân được bán tràn lan trên thị trường có vô vàn loại khác nhau. Nhiều người đã tùy tiện mua, thậm chí cho cả trẻ nhỏ sử dụng mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc giảm cân tùy tiện sẽ kéo theo những tác dụng phụ không mong muốn như chán ăn, suy nhược cơ thể, tiêu chảy kéo dài. Nếu dùng trong một khoảng thời gian dài, thuốc giảm cân còn gây ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, men gan, tim mạch...

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, việc điều trị cho trẻ thừa cân, béo phì cần rất nhiều thời gian và cần có kế hoạch dinh dưỡng cụ thể. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm cân cho trẻ khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Việc uống thuốc giảm cân dẫn tới tăng men gan như bệnh nhi kể trên là một ví dụ.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, chỉ các trường hợp tăng cân quá mức, các bác sĩ mới yêu cầu giảm cân. Nếu bắt trẻ ăn kiêng quá mức lại không tốt cho cơ thể. Bởi vì trên thực tế, nhiều trẻ gái vì muốn giảm cân đã ăn kiêng quá mức khiến xương bị loãng, cơ thể bị thiếu vitamin và những khoáng chất quan trọng. Như vậy, cơ thể có thể dừng phát triển, đây là điều rất nguy hiểm.

Ngay tại các bệnh viện, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị giảm cân cho những trẻ bị thừa cân, béo phì. Thế nhưng, việc điều trị thừa cân, béo phì cũng không khuyến cáo áp dụng cho trẻ dưới 7 tuổi nếu chưa có biến chứng của mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, rối loạn đường huyết… Đối với trẻ trên 7 tuổi béo phì nặng hoặc có biến chứng mới áp dụng việc điều trị giảm cân nhưng không được giảm quá 500gram trong 1 tuần.

Để giảm cân an toàn cho trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, cha mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp các hoạt động thể lực là cách điều trị béo phì tốt nhất cho con. Cụ thể, nên cho con ăn theo thực đơn dinh dưỡng của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, trong đó chú ý nhất là ăn thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da, tôm, đậu phụ... Nếu uống sữa, nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Đặc biệt, chú ý cho trẻ ăn bữa sáng nhiều hơn để tránh ăn vặt và nên giảm ăn về chiều và tối.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn đều đặn, không bỏ bữa, nhai kỹ và chậm khi ăn, uống nhiều nước, không ăn quá no và cũng tránh để trẻ quá đói. Bởi vì nếu quá đói, trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau gây tích lũy mỡ nhanh hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều mà cần cho trẻ tham gia các trò chơi vận động như: Nhảy dây, đá bóng, cầu lông, bơi lội, đi bộ, leo cầu thang... Khuyến khích trẻ đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường hoặc làm việc nhà như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp trẻ giảm cân an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.