Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp những người “đặc biệt” vượt qua khó khăn

Quỳnh Anh| 11/01/2011 07:21

(HNM) - Sau gần 2 năm triển khai, mô hình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi đã thu được những kết quả khả quan với 25 gia đình NKT được vay vốn chăn nuôi lợn thịt. Trừ chi phí, sau mỗi đợt chăn nuôi, bình quân mỗi hộ lãi gần 1 triệu đồng, có hộ lãi hơn 3 triệu đồng.

Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam triển khai thí điểm ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từ năm 2009, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, gia đình NKT và trẻ mồ côi; từng bước tạo điều kiện cho NKT tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Các hộ được lựa chọn tham gia mô hình là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi được lựa chọn, các hộ sẽ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, cách phòng, chống bệnh dịch; được cung cấp lợn giống. Ban quản lý mô hình sẽ ký hợp đồng với các công ty thức ăn gia súc để cung cấp thức ăn cho các hộ nuôi lợn; hỗ trợ các hộ sửa chữa chuồng trại hoặc xây mới theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật...

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, kinh phí triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho gia đình NKT ở xã Cần Kiệm do Đại sứ quán Luxembourg tại Hà Nội tài trợ. Ban quản lý mô hình đã lựa chọn được 25 hộ, mỗi hộ được cấp 9,5 triệu đồng để mua 7 con lợn giống với trọng lượng 10kg/con. Năm 2010, các hộ đã nuôi quay vòng được 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng. Vòng nuôi đợt một, bình quân mỗi hộ lãi gần 1 triệu đồng, hộ lãi cao nhất hơn 3 triệu đồng. Vòng nuôi đợt hai do ảnh hưởng của dịch bệnh lợn tai xanh nên các hộ lãi không cao như đợt một. "Tuy vòng nuôi đợt hai không cao bằng đợt một nhưng qua ý kiến của các hộ hưởng lợi từ mô hình và qua ý kiến của chính quyền địa phương thì sau khi mô hình sinh kế được triển khai, chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình khuyết tật đều được cải thiện. Nhiều NKT có thu nhập từ chính sức lao động của mình đã trở nên tự tin hơn", ông Nguyễn Đình Liêu cho hay.

Gia đình ông Đỗ Văn Kiệm được vay 9,5 triệu đồng để chăn nuôi lợn thịt. Sau 3 tháng, gia đình ông đã cho xuất chuồng lứa lợn đầu tiên, trừ chi phí, lãi hơn 3 triệu đồng. "Nếu không có mô hình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi thì gia đình tôi không biết xoay sở đâu ra nguồn vốn để chăn nuôi. Hiện tôi có thể phụ giúp vợ con chăm sóc đàn lợn, giảm bớt gánh nặng cho mọi người", ông Kiệm tâm sự. Chị Nguyễn Thị Tú được dự án lựa chọn cho vay vốn, xúc động: "Đối với nhiều người, số tiền vài triệu đồng không lớn nhưng đối với gia đình chúng tôi thì nó thực sự có ý nghĩa, giúp chúng tôi tăng gia sản xuất, ổn định kinh tế".

Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi được triển khai thí điểm ở xã Cần Kiệm mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng sự mong đợi của NKT nghèo, tạo điều kiện cho họ vượt lên số phận, khắc phục nghèo khó từ trong ý thức, xóa bỏ những mặc cảm và tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp những người “đặc biệt” vượt qua khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.