Cho vay vốn, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những chính sách an sinh xã hội được thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện. Theo giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố về lĩnh vực này, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn cần thêm giải pháp để ngày càng có nhiều người lao động tiếp cận được nguồn vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Nhiều hình thức hỗ trợ
Hà Nội có hơn 352.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; 1.350 làng nghề; 10 khu công nghiệp, chế xuất; 111 cụm công nghiệp, với tổng số lao động là hơn 4 triệu người. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động. Người lao động tại các khu công nghiệp, ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành… là chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Sở đã tham mưu thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động. Theo đó, ngành đã hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chỉ tính 9 tháng năm 2023, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 171.228 lao động, đạt 105% so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 34.644 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 1.761 tỷ đồng. Cùng với đó, số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm là 13.447 lao động; đưa 3.002 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 120.135 lao động.
Nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu
Qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho thấy, nguồn vốn cho vay mặc dù đã được thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Đơn cử, tính đến ngày 30-9-2023, mới bố trí được 110 tỷ đồng, trong khi đó chỉ tiêu 900 tỷ đồng (năm 2023). Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết, việc triển khai vay vốn, giới thiệu việc làm cho đối tượng ra tù, sau cai nghiện ma túy gặp khó khăn. Công tác đào tạo nghề cho đối tượng này không triển khai được do không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, trên địa bàn quận vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, manh mún, gặp khó khăn trong công tác học nghề và chuyển đổi nghề mới và cả tiếp cận nguồn vốn vay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cũng cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động được tuyển mới còn hạn chế. Vì vậy, giải pháp chủ yếu là giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm, theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố phải bảo đảm nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong trường hợp không đáp ứng đủ nguồn lực, cần có cơ chế linh hoạt tạo thuận lợi cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay. Đồng thời, tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện để triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố hằng năm về giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần tập trung ưu tiên cho vay đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng đặc thù như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người mù, người khuyết tật, người lao động các khu công nghiệp, người lao động tại khu vực nông nghiệp nông thôn, lao động mất việc làm hoặc thu nhập thấp… vay để mở rộng việc làm, tăng thu nhập...
Bên cạnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chính phủ và thành phố về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay. Qua đó, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở, kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.