Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người lao động có việc làm bền vững

Minh Vũ| 19/04/2023 06:41

(HNM) - Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm thất nghiệp là giúp người lao động hạn chế bị mất việc làm, giúp họ có việc làm bền vững hoặc sớm trở lại thị trường lao động, nếu không may bị mất việc. Thế nhưng, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được đào tạo nghề để duy trì việc làm chưa nhiều, cho thấy chính sách này chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Học viên nghề kỹ thuật pha chế đồ uống thi thực hành tốt nghiệp.

Còn ít người học nghề

Bảo hiểm thất nghiệp gồm 2 chế độ chính là: Trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề. Chính sách này được triển khai ở nước ta từ ngày 1-1-2009, đến nay có hơn 14 triệu người tham gia, bằng hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Càng trong giai đoạn khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp càng thể hiện rõ vai trò là giá đỡ an sinh của người lao động và người sử dụng lao động. Thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, lũy kế từ năm 2009 đến nay, các cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 8 triệu lượt người. Đặc biệt, trong 2 năm 2021 và 2022, nước ta đã triển khai các gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ dành cho người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 41.000 tỷ đồng. Nhờ đó, hơn 13 triệu người lao động có thêm khoản tiền trang trải cho cuộc sống; hơn 446.000 đơn vị, doanh nghiệp được tiếp thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khi giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tất cả người lao động đều được tư vấn về việc làm, đào tạo nghề. Tuy nhiên, sau hơn 14 năm triển khai chính sách (2009-2023), cả nước mới có hơn 270.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn học nghề, thay vì nhận tiền trợ cấp (bằng hơn 3% so với tổng số người hưởng chế độ). Trong khi đó, số đông người bị mất việc làm là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, còn thị trường lao động lại thiếu người có kỹ năng nghề.

Phân tích nguyên nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, nhiều người lao động cần có khoản tiền trang trải cho cuộc sống trong thời gian mất việc, nên họ lựa chọn nhận trợ cấp thất nghiệp thay vì học nghề. Ngoài ra, danh mục nghề hỗ trợ đào tạo chưa phong phú nên chưa hấp dẫn người lao động.

Về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động, do quy định về điều kiện thụ hưởng khá khắt khe nên cũng chưa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người lao động tiếp cận.

“Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm thất nghiệp là giúp người lao động hạn chế rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc giúp họ sớm trở lại thị trường lao động, nếu không may bị mất việc. Ở góc độ này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt kết quả như kỳ vọng”, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) Trần Tuấn Tú trăn trở.

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Quan tâm đào tạo nghề

Theo số liệu do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, khoảng 80% người hưởng bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn học nghề đã trở lại thị trường lao động.

Học nghề may công nghiệp vào quý III-2022, chị Nguyễn Thị Nghĩa (trú tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) cho hay: “Nhờ chương trình đào tạo đề cao yếu tố thực hành nên các học viên có tay nghề tương đối vững vàng. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã trúng tuyển vào một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng”.

Hiệu quả của việc kết nối thành công đa số người lao động với thị trường việc làm là minh chứng rõ nhất cho thấy sự cần thiết mở rộng số người tham gia, nâng cao chất lượng các khóa đào tạo nghề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Yêu cầu này càng trở nên bức thiết khi bức tranh lao động, việc làm trong quý I-2023 có nhiều khởi sắc, nhưng số người đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp lại có xu hướng tăng, với 146.000 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Góp phần tạo cơ hội việc làm mới cho lao động thất nghiệp, hiện nay, các địa phương chú trọng đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Chẳng hạn tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, toàn bộ hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố đều bố trí lực lượng cán bộ có chuyên môn để đón tiếp, tư vấn học nghề, kết nối việc làm cho người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các lớp đào tạo nghề dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức theo nguyện vọng của học viên và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bảo đảm cung gặp cầu...

Ở cấp vĩ mô, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng, giúp nhiều người tiếp cận với chính sách. Đây cũng là giải pháp để bảo hiểm thất nghiệp có thể trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người lao động có việc làm bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.