Góc nhìn

Giúp người có đất thu hồi ổn định cuộc sống

Hà Trang 04/08/2024 - 06:26

Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm qua, vấn đề giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ trung ương tới cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các cơ chế, chính sách giúp cho người có đất thu hồi ổn định cuộc sống vẫn còn nhiều bất cập, cần được khắc phục ngay.

Theo thống kê, mỗi héc ta đất bị thu hồi sẽ có khoảng 10 lao động bị mất việc làm. Qua rà soát, cả nước hiện có gần 1.000 dự án, công trình chưa đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng do còn vướng mắc chưa xử lý, với diện tích 28.155ha. Trong khi đó, công tác quy hoạch và sử dụng đất tại các dự án phát triển kinh tế - xã hội đang còn nhiều hạn chế. Nhu cầu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn hiện rất lớn, song chưa đáp ứng được. Trong khi đó, lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn vẫn rất cao, tiếp tục gây sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ.

Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, ngày 31-7-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi. Theo đó, các đối tượng trên sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thời gian hỗ trợ là 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất…

Có thể thấy, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, nhất là các đối tượng có đất thu hồi. Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo nghề, chú trọng hình thành chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tìm việc làm, khuyến khích khả năng sáng tạo trong lao động, đặc biệt là ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động theo tác phong lao động công nghiệp.

Cùng với đó, tiến hành rà soát lại đối tượng hỗ trợ, tránh bỏ sót đối tượng được thụ hưởng chính sách; nghiên cứu phương án hỗ trợ tốt nhất, đặc biệt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm công bằng cho các đối tượng có đất thu hồi; huy động tốt các nguồn lực xã hội để cùng tham gia đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, cấp có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất để người có đất thu hồi được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc bố trí kinh phí trung hạn, hằng năm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Khi làm tốt công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi, không những chúng ta thực hiện được mục tiêu giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần ổn định an ninh chính trị, bảo đảm an sinh…; từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người có đất thu hồi ổn định cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.