(HNM) - Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, trung bình mỗi năm nước ta phải chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Trước tình hình đó, hệ thống thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an toàn cho tàu cá của ngư dân hoạt động ngoài khơi.
Trực canh tổng đài 24/24h để tiếp nhận thông tin của ngư dân.
Thực tế, các tàu hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi đều trang bị máy thông tin liên lạc, nhưng chủ yếu là máy bộ đàm tầm ngắn để liên lạc giữa các tàu với nhau. Chỉ có khoảng 8.000-10.000 tàu đánh cá xa bờ là có trang bị máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn (chủ yếu là ICOM 718). Phương thức liên lạc giữa các tàu cá trên biển với bờ là qua các đài trực canh cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều ngư dân chưa biết được tần số liên lạc của các trung tâm cứu hộ, cứu nạn và các đài trực canh cộng đồng cũng như cách thức thực hiện một cuộc gọi cấp cứu yêu cầu trợ giúp khi có sự cố trên biển. Mặt khác, do cần giữ "bí mật" ngư trường nên nhiều thuyền trưởng đã không đăng ký tần số liên lạc. Chính vì vậy, khi tàu cá ra biển không nhận được thông tin cảnh báo về thời tiết, cơ quan tìm kiếm cứu nạn (TKCN) không nhận được thông tin cứu nạn kịp thời hoặc không xác định chính xác vị trí, tình trạng tàu bị nạn để đến cứu. Đây là lý do chính dẫn đến hàng trăm vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên biển mỗi năm.
Từ thực tế trên, thực hiện Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển", Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP làm chủ đầu tư dự án "Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện của BĐBP tại các tỉnh, TP ven biển". Thực hiện đề án, từ đầu năm 2008 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai 83 đài canh và 92 điểm bắn pháo hiệu cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới tại các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cửa sông, cửa biển, các đảo dọc tuyến biển cho các đồn Biên phòng, Hải đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP 28 tỉnh, TP có biên giới biển, đảo và 4 hải đoàn. Đồng thời, các đơn vị tổ chức đăng ký tần số liên lạc các tàu cá của ngư dân trong địa bàn quản lý, thông báo tần số liên lạc của hệ thống đài canh của BĐBP để ngư dân biết thông tin hai chiều về tình hình thiên tai, tai nạn trên biển và hiệp đồng huy động lực lượng, phương tiện tham gia TKCN khi có yêu cầu. Ngoài ra, lực lượng BĐBP còn dán bản hướng dẫn thông tin TKCN trên biển trong cabin các tàu đánh cá xa bờ, trong đó ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp, sóng ngày, sóng đêm và hướng dẫn cách gọi đơn giản, dễ nhớ để ngư dân kịp thời gọi báo tình hình xảy ra trên biển cho BĐBP.
Trao đổi về hiệu quả của hệ thống thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển, Thượng tá Lê Bá Tơ, Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Hệ thống thông tin liên lạc phòng, chống lụt bão, TKCN và quản lý tàu cá trên biển của lực lượng BĐBP tập trung vào 3 mục tiêu chính: Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, TKCN và bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ khi các đơn vị biên phòng triển khai lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển, hệ thống này đã phục vụ đắc lực cho việc phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai trên biển nên đã giúp ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi đánh bắt hải sản. Đã có hơn 100.000 lượt chủ phương tiện, tàu cá, ngư dân được tập huấn về việc bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc giữa thuyền và các cơ quan chức năng; BĐBP các tuyến biển đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng kiểm đếm, thống kê, thông báo, hướng dẫn cho hơn một triệu lượt tàu, thuyền, hơn 6 triệu lượt ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để phòng tránh; ứng cứu và TKCN được 2.843 vụ, 16.702 người và 2.620 phương tiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.