Có rất nhiều nguyên nhân khiến miệng bé bị hôi: vệ sinh răng miệng kém, khô miệng, uống ít nước, hay ngậm tay, không khỏe mạnh, ăn thức ăn có mùi...
Thủ phạm khiến bé bị hôi miệng
Cu Tí nhà chị Bình Loan (Mai Động, Hà Nội) vừa tròn 1 tuổi, bé trộm vía hay ăn, cao lớn hơn chuẩn, chị rất mừng nhưng vẫn lấn cấn một điều, dù mỗi sáng và tối trước khi ngủ dậy, chị đều tưa lưỡi cho bé thường xuyên bằng nước muối nhưng miệng của bé vẫn có mùi.
Cu Tí ăn sữa ngoài nhiều hơn sữa mẹ vì chị không có nhiều sữa, một ngày bé có ăn thêm hoa quả và 2 bát cháo thịt nghiền. Chị lo lắng không rõ bé bị có bệnh gì mà miệng có mùi. Lên mạng tìm hiểu và chia sẻ với các mẹ trên diễn đàn, chị thấy nhiều chị em cũng có cùng sự lo lắng giống mình.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến miệng bé bị hôi: vệ sinh răng miệng kém, khô miệng, uống ít nước, hay ngậm tay, không khỏe mạnh, ăn thức ăn có mùi...
Có nhiều bà mẹ cứ ngỡ, tưa lưỡi thường xuyên bằng nước muối thế là sạch, là đủ thế nhưng, như câu chuyện của chị Bình Loan ở trên, khi chị đưa Cu Tí đến khám bác sĩ thì họ kết luận miệng bé có mùi là do không vệ sinh sạch sẽ răng miệng.
Chị nghiệm lại, đúng là tuy chị có thường xuyên vệ sinh răng miệng cho con nhưng cứ khi nào bé giãy, khóc thét khó chịu vì sự “can thiệp thô bạo” của mẹ là chị lại dừng luôn. Chị cứ an tâm: thế là chuẩn mà không nghĩ rằng, vi khuẩn vẫn còn sót lại ở răng, lợi, lưỡi của bé. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới hơi thở bé có mùi.
Bé Bin nhà chị Tú (Quận 3, TP HCM) cũng bị hôi miệng. Dù bé đã 6 tuổi, tự lập đánh răng khi còn nhỏ nhưng miệng bé vẫn hôi. Chị ngày nào cũng hò cậu con đi đánh răng vì nghĩ Bin lười biếng.
Xem xét thì bé vẫn khỏe mạnh. Chị nghĩ rằng có lẽ Bin chưa biết giữ vệ sinh răng miệng đúng cách.
Vậy, nếu bé nhà bạn bị hôi miệng, bạn nên làm gì?
Chăm sóc răng miệng trẻ đúng cách
Trả lời về vấn đề này, các chuyên gia y tế khuyên các bà mẹ rằng vệ sinh răng miệng là biện pháp tối ưu. Nếu bé còn nhỏ, bậc phụ huynh nên chú ý tưa lưỡi cho con thật kỹ, lau, rửa khoang miệng cho bé bằng nước đun sôi để nguội, pha thêm vài hạt muối trước khi bé đi ngủ (hoặc sau khi bé ăn).
Bố mẹ cần chắc chắn rằng bé đã được rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, cần hạn chế bé mút tay, tốt hơn cả nên khuyên bé bỏ thói quen này.
Ngay khi bé nhú có một vài chiếc răng, bạn nên thường xuyên đánh răng trước giờ đi ngủ cho bé. Nên dùng bàn chải mềm và kem đánh răng chuyên dụng dành riêng cho bé.
Khi lớn hơn một chút, cha mẹ nên dạy trẻ cách chải răng thật sạch, có thể giúp bé đánh răng hoặc cùng đánh răng với bé ít nhất 2 lần/ngày để tạo thói quen này. Ngoài răng, bố mẹ nên khuyên trẻ chải sạch cả lưỡi.
Thường xuyên cho bé đi kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng. Bậc phụ huynh không nên chê bai rằng hơi thở con đang có vấn đề mà hãy coi đây là một việc bình thường để bé không trở nên tự ti, xấu hổ. Tuy nhiên, đi song song với việc lờ đi là hướng dẫn con chăm sóc răng miệng đúng cách.
1 trong những nguyên nhân khiến hơi thở bé có mùi là do bố mẹ cho quá nhiều gia vị vào món ăn của bé như hành tỏi... Việc giảm bớt sự tham gia này cũng giúp hơi thở bé thơm tho hơn. Thường xuyên cho trẻ uống nước lọc.
Các chuyên gia y tế khuyên các bà mẹ rằng vệ sinh răng miệng là biện pháp tối ưu
(Ảnh minh họa)
Dạy bé cách đánh răng: Đặt nhẹ bàn chải một góc 45 độ so với răng và bắt đầu chuyển động để làm sạch các bề mặt bên ngoài và bên trong răng. Thực hiện nhịp nhàng các chuyển động lên và xuống để làm sạch các bề mặt bên trong của các nhóm răng. Dạy bé đưa bàn chải đánh răng đi đến tận chiếc răng hàm cuối cùng, điều này giúp làm sạch được hết mọi ngõ ngách tránh các bệnh về răng miệng.
Bên cạnh đó, ngoài răng, bé cần phải chăm sóc cả phần lưỡi để loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng. Sau khi đánh răng xong, bạn cần dặn bé phải rửa thật sạch bàn chải và chiếc cốc cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.