Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữa quy hoạch và thực thi: Làm sao để hết “vênh”?

Bảo Hân| 17/04/2023 06:14

(HNM) - Thay vì thống nhất, không thể tách rời, việc quy hoạch và thực thi quy hoạch tại nhiều đô thị lớn, trong đó có thành phố Hà Nội, còn nhiều xung đột, tác động tiêu cực đến phát triển đô thị. Để không còn “vênh” giữa quy hoạch và thực thi quy hoạch, yêu cầu đổi mới là đòi hỏi được đặt ra với cả 3 khâu là lập quy hoạch, thực thi quy hoạch và quản lý sau quy hoạch.

Làm tốt công tác lập quy hoạch, thực thi quy hoạch và quản lý sau quy hoạch sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển đô thị.

 Những nguyên nhân chính

Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Xuân Hùng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) phân tích từ thực tế phát triển đô thị, việc thực thi quy hoạch đúng với các định hướng đã không được tôn trọng. Việc điều chỉnh “cục bộ” quy hoạch đã để lại những hệ lụy xấu cho đô thị.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do như lập quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thực thi quy hoạch chưa đồng bộ hoặc bị điều chỉnh khác so với quy hoạch được duyệt và cuối cùng việc giám sát thực hiện quy hoạch thiếu chặt chẽ.

Trên địa bàn Hà Nội, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch thiếu cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nguyên nhân là khối lượng các đồ án quy hoạch lớn, quy mô nghiên cứu rộng và yêu cầu cao, được đồng thời lập, thẩm định, phê duyệt. Trong khi đó, đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực để nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch có quy mô lớn lại không nhiều, đang tập trung chủ yếu vào Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) và một số đơn vị tư vấn của các hội, dẫn đến quá tải, không bảo đảm về tiến độ và chất lượng.

Về chủ quan, việc lãnh đạo, quản lý, điều hành lập, phê duyệt, triển khai quy hoạch ở một số cấp, ngành chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa đạt hiệu quả cao. Việc xây dựng kế hoạch lập quy hoạch còn có những hạn chế, chưa dự báo được sự phức tạp trong quá trình thực hiện, nhất là đối với một số loại hình lần đầu triển khai, dẫn đến một số nhiệm vụ chậm tiến độ như Chương trình phát triển đô thị...

Tìm giải pháp tháo gỡ

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 với đổi mới rõ rệt nhất là có tới 17 nội dung sẽ được nghiên cứu, tính toán thể hiện trong một đồ án quy hoạch để bảo đảm thống nhất.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học “Thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội” do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức.

“Trước đây, có nhiều loại quy hoạch khác nhau nên sẽ có sự điều chỉnh quy hoạch, gây khó cho chủ đầu tư trong thực hiện, ví dụ như đã có quy hoạch sử dụng đất, lại có kế hoạch sử dụng đất hay đã có các quy hoạch công trình chuyên ngành văn hóa, thể dục thể thao nhưng lại có chương trình riêng biệt với từng lĩnh vực…”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Xuân Hùng cũng đưa ra giải pháp đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tiếp cận đa ngành, bảo đảm tích hợp các đồ án quy hoạch ngành vào đồ án quy hoạch đô thị; đồng thời, xây dựng được bộ công cụ đánh giá hiện trạng, dự báo phát triển mang tính toàn diện; bảo đảm việc tham gia của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch thực chất. Phương pháp tiếp cận theo hướng “quy hoạch linh hoạt”, “quy hoạch hành động”, “quy hoạch mềm” làm rõ những nội dung cần phải thực hiện, lộ trình thực hiện, ứng phó hiệu quả với các biến động về kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Quy hoạch tích hợp được kỳ vọng là giải pháp khắc phục những bất cập trong lập quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, việc thực hiện quy hoạch tích hợp sẽ gây không ít khó khăn vì yêu cầu nghiên cứu đồng bộ các quy hoạch nhưng phải cân nhắc đặt lợi ích nào cao nhất, ví dụ lấy phát triển kinh tế hay du lịch hoặc công nghiệp văn hóa làm trọng tâm. Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch tích hợp cũng sẽ tạo không ít áp lực cho các cấp chính quyền với yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa chức năng quản lý sau quy hoạch với khung pháp lý đồng bộ, đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm và nguồn lực để thực thi quy hoạch.

Nhiều ý kiến của chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc thành phố Hà Nội cần quy trách nhiệm rõ ràng hơn đối với người đứng đầu các sở, ban, ngành có liên quan đến quản lý quy hoạch, kiến trúc. Hiện nay, khi giao nhiệm vụ vẫn còn chung chung, do vậy giai đoạn này, thành phố cần phải minh bạch trách nhiệm của các đầu mối công việc, của người đứng đầu để việc thực thi và quản lý quy hoạch bảo đảm kỷ cương và theo đúng quy hoạch đã được duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữa quy hoạch và thực thi: Làm sao để hết “vênh”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.