Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ vững thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu

Hồng Sơn| 09/11/2011 07:07

Hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, sự suy giảm về sức mua trên diện rộng là nguyên nhân đẩy nhiều DN vào vòng xoáy, không ít DN đã phải chống đỡ rất vất vả để duy trì hoạt động. Nhưng cũng có DN vẫn đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận.


Doanh thu từ kinh doanh nội địa đạt mức 3.138,1 tỷ đồng, chiếm 47% tổng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010. Lãnh đạo Hapro cho biết, thị trường biến động trong bối cảnh lạm phát cao liên tiếp đòi hỏi đơn vị phải tìm hướng giải quyết để vượt qua những vấn đề mới. Do vậy, Hapro đã chủ động cân đối mối quan hệ giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, để khi cần có thể bù đắp cho nhau. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã duy trì tốt việc dự trữ hàng và tham gia bình ổn giá. Ngoài ra, Hapro còn triển khai đồng bộ hoạt động bán hàng theo nhiều phương thức khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc gia tăng tần suất đưa hàng về các khu vực xa đang và sẽ mang lại hiệu ứng tốt, bởi vừa giúp DN đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu vừa giúp đưa thương hiệu Hapro trở nên gần gũi hơn với giới tiêu dùng.

Năm nay là năm thứ ba Hapro tham gia chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội và đã đăng ký 80 điểm kinh doanh nhằm gia tăng doanh số bán hàng cũng như bảo đảm sự hiện diện thương hiệu trên thương trường. Thời gian qua, các DN thành viên tập trung thu mua để bảo đảm nguồn hàng, phối hợp với các nhà cung cấp đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn với khách hàng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Hapro đạt 170 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là đơn vị đã thâm nhập được vào thị trường mới là Venezuela, Latvia với các mặt hàng nông sản, dược liệu là hoa hồi, tiêu. Hiện, thị trường Brazil, Đức cũng đã chấp nhận thêm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ - vốn là loại hàng truyền thống của Hapro. Thời gian qua, Tổng Công ty cũng tập trung phát triển một số mặt hàng mới như hạt sen khô và các sản phẩm công nghiệp là quạt điện, ổn áp… để "gõ cửa" nhiều thị trường khác.

Nhằm tăng tốc độ xuất khẩu, nâng cao kim ngạch, Hapro đã thành lập trung tâm thông tin đối ngoại xuất khẩu và tổ đàm phán, phân công đầu mối chuyên trách đối với các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Việc phân công nhân sự theo hướng chuyên sâu, bám sát thị trường sẽ tạo ra hiệu quả tốt trong công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo DN trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Hapro cũng coi trọng công tác quản trị thương hiệu lồng ghép với hoạt động tiếp thị nhằm duy trì và bảo đảm chuẩn hóa hình ảnh nhận diện chung cho toàn hệ thống bán lẻ của mình. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã từng bước triển khai các chương trình xúc tiến bán hàng đa dạng, như ra mắt dòng sản phẩm mới của mỳ ăn liền Kuksu, phân phối sản phẩm mới; các hoạt động kinh doanh dành riêng cho sự kiện - ngày lễ lớn; thực hiện công tác truyền thông thường xuyên về hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì thông tin trên mạng nội bộ, bản tin Hapro, website của Tổng Công ty. Công tác tiếp thị cũng như quảng bá thương hiệu của Hapro được chú trọng hơn trong bối cảnh yêu cầu hoàn thiện và bảo vệ thương hiệu DN nói chung. Bộ phận chuyên môn đang đẩy mạnh xây dựng bộ nhận diện cho một số thương hiệu nhánh và bộ sản phẩm của tổng công ty. Đáng chú ý, động thái này diễn ra trong xu thế các DN trong nước đang gia tăng hoạt động và các biện pháp tự bảo vệ trước vấn nạn bị DN nước ngoài xâm hại về thương hiệu. Về chiến lược ngắn hạn, Hapro đã xác định đến năm 2015 sẽ xây dựng thành công 15 thương hiệu mạnh cấp quốc gia và trở thành đơn vị xuất khẩu hàng đầu Việt Nam về một số mặt hàng như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, lạc nhân, thực phẩm chế biến…

Từ nay đến cuối năm, Hapro tập trung các nguồn lực, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2011, phấn đấu sẽ đạt doanh thu hơn 7.979 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện năm 2010), nộp ngân sách 289 tỷ đồng, bảo đảm thu nhập bình quân của người lao động tăng 20% so với mức năm ngoái.

Hapro đã có kế hoạch tổ chức 322 chuyến hàng phiên chợ Việt, bán hàng nông thôn, bán hàng lưu động năm 2011 gồm 36 phiên chợ hàng Việt tại các huyện, khu công nghiệp; 31 chuyến bán hàng nông thôn; 255 chuyến bán hàng lưu động. Đến nay, Hapro đã thực hiện thành công 114 chuyến bán hàng, gồm 27 phiên chợ Việt tại các huyện, khu công nghiệp, 12 chuyến bán hàng nông thôn, 75 chuyến bán hàng lưu động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.