(HNM) - Luật sư là nghề đặc thù - nghề sống bằng danh. Danh tiếng của luật sư do chính họ tạo dựng, từ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tới giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp… Đó là một quá trình liên tục.
Với gần 12.000 luật sư, hơn 5.000 người tập sự hành nghề, số luật sư ở nước ta đang tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng của đội ngũ luật sư là một vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Ngoài việc thiếu một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản của hội nhập kinh tế, quốc tế thì vẫn nổi lên vấn đề thiếu minh bạch trong hoạt động và vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, trong quá trình hành nghề, một số luật sư đã bỏ qua những quy tắc nghề nghiệp, thực hiện những hành vi trái quy định của pháp luật. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bộ Tư pháp đã thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của 29 trường hợp, trong đó 12 trường hợp do bị kỷ luật xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư. Trong 12 trường hợp này, có 8 trường hợp bị xử lý do vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam. Thậm chí, có luật sư lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của khách hàng để lừa đảo thân chủ. Trong khi đó, không ít luật sư còn sử dụng trang cá nhân hoặc các diễn đàn trên mạng internet bày tỏ quan điểm, thái độ hay quảng bá tên tuổi của mình "quá đà", ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức…
Làm thế nào để xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, cũng như nâng cao chất lượng công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này?
Trước hết, cần quan tâm nâng cao nhận thức sâu sắc về chức năng xã hội của luật sư và thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới quá trình đào tạo nghề luật sư theo quy trình và phạm vi thích hợp; bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, đạo đức và văn hóa nghề nghiệp cho luật sư. Bên cạnh đó, phải xây dựng hạt nhân chính trị nòng cốt trong tổ chức hành nghề luật sư nhằm giúp mỗi luật sư nhận thức được đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp và đủ bản lĩnh chính trị, vận dụng đúng đắn trong hoạt động nghiệp vụ của mình.
Cùng với đó là chuẩn hóa quy trình đào tạo nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các luật sư tham gia nhiều hơn vào việc hòa giải và xử lý các tranh chấp dân sự, hành chính, các tranh chấp kinh tế...
Mặc khác, chúng ta cần xây dựng hệ thống các tiêu chí và giá trị văn hóa nghề nghiệp luật sư. Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung quy định trong Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và một số tiêu chí ứng xử văn hóa, nhất là sự ràng buộc về trách nhiệm bảo đảm uy tín nghề nghiệp.
Người Việt Nam có câu: “Tốt danh hơn lành áo”. Câu nói ấy càng có ý nghĩa đối với luật sư, những người làm một nghề hết sức đặc thù. Là những người có kiến thức pháp luật, hơn ai hết, luật sư cần tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình hướng dẫn thực hiện pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, khi tiếp xúc, tư vấn cho khách hàng và ngay trong các giai đoạn tố tụng, nhất là tại các phiên tòa, trở thành “kênh” hướng dẫn pháp luật có hiệu quả. Ở góc độ khác, cần tuyệt đối loại trừ tình trạng một số luật sư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân mà đẩy các vụ việc đơn giản thành phức tạp hơn.
Giữ sao cho "tốt danh hơn lành áo", thiết nghĩ, cần trở thành một tiêu chí nghề nghiệp "nằm lòng" để đội ngũ luật sư không ngừng lớn mạnh, có đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.