(HNM) - Với việc giữ nhịp tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) và là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ sở để hàng hóa Việt Nam ngày càng mở rộng tới thị trường chiến lược này.
Tốp 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU
Thời gian qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song thương mại hai chiều Việt Nam - EU vẫn tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - EU đã đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng Việt được cải thiện rõ rệt tại thị trường này. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực Đông Nam Á và xếp trong tốp 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhìn nhận, những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn cả về chất và lượng. Ngoài cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) còn đem lại cơ hội chuyển đổi cơ cấu hàng hóa, hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA. Trung bình năm của giai đoạn 2015-2019, sản phẩm dệt may xuất khẩu vào EU chỉ đạt từ 700 đến 800 triệu USD, nhưng nhờ EVFTA chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 đã đạt 1,21 tỷ USD. Với thủy sản, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nước ta, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho hay, từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận sự tăng trưởng khá. Theo Tổng cục Hải quan, riêng trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 744 triệu USD, tăng gần 4%.
Chủ động nắm bắt cơ hội vàng
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, nhưng EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia khác trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của “người đi trước” để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.
Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, EVFTA thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây và nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó bởi các thủ tục giấy tờ phức tạp. Vì vậy, việc cải thiện quy trình, thủ tục là điều rất quan trọng.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nhìn nhận, doanh nghiệp cần khắc phục những tồn tại đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường EU, như truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa rõ ràng, thiếu đầu tư về mẫu mã bao bì, nhãn hiệu, chậm bắt nhịp thị hiếu của người tiêu dùng tại nước nhập khẩu… Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động chuyển hướng sản xuất sản phẩm xanh, sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, bảo đảm an toàn môi trường, có thương hiệu gắn với quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý.
Về triển vọng thị trường EU, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Thảo Hiền nhận định, trước đây, đối tác truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam tại EU là khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp…, nay có thể tập trung mở rộng sang các nước Bắc Âu, Nam Âu. Đó là những thị trường tiềm năng doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác nhờ EVFTA thời gian tới.
Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam (quận Long Biên) Trần Văn Hiếu cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được hỗ trợ cập nhật thông tin về môi trường kinh doanh tại EU nhiều hơn, cũng như hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trước những thời cơ và thách thức đan xen trong giai đoạn “bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, tham gia sâu vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ cùng hệ thống các thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp khai thác tối đa ưu thế từ EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.