Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng

Hương Ly| 16/07/2022 06:12

(HNM) - Những quyết định xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện thêm một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Phải thi hành kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót, nhưng là việc không thể không làm nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng được các cấp ủy thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Cụ thể, cấp ủy các cấp đã kiểm tra hơn 24.700 tổ chức Đảng và hơn 106.000 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 1.017 tổ chức Đảng và gần 3.600 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra 19 tổ chức Đảng và 8 đảng viên; kết luận rõ vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân; thi hành kỷ luật 9 tổ chức Đảng; kỷ luật 61 đảng viên và khai trừ 12 trường hợp...

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp đã giám sát chuyên đề hơn 12.000 tổ chức Đảng và gần 74.700 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp giám sát gần 10.000 tổ chức Đảng và hơn 13.000 đảng viên. Qua giám sát, đã chuyển thành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 39 tổ chức Đảng và 67 đảng viên; yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm; yêu cầu thu hồi, hủy bỏ các quy định, kết luận, quyết định trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, chỉ đạo thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương làm tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Lực thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kiểm tra các cấp của thành phố Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 46 tổ chức Đảng và 95 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kết luận 18 tổ chức Đảng và 47 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 45 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, những điều đảng viên không được làm, xác định rõ vi phạm về thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các cuộc kiểm tra sau khi kết luận đều bảo đảm tính khách quan, chính xác. Những trường hợp có khuyết điểm vi phạm đều phải xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh hoặc kiểm điểm nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố Hà Nội đã có 10 tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật. Từ đó, đã có tác dụng giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ. Nhiều vụ việc, cơ quan kiểm tra của Đảng đã “đi trước, mở đường”; chủ động, không chờ đợi kết quả điều tra, thanh tra; thậm chí trong một số vụ việc, kết quả kiểm tra còn là cơ sở, tiền đề để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Đoàn kiểm tra số 5 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm về việc triển khai thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII).

Nâng cao chất lượng giám sát

Thực tiễn cho thấy, kỷ luật của Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm túc, thực hiện thắng lợi. Để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Lực, trong 6 tháng cuối năm 2022, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố Hà Nội xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó, sẽ nghiêm túc đánh giá, xác định rõ những hạn chế còn tồn tại và đề ra giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, tham mưu cấp ủy triển khai các cuộc kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch; chú trọng nâng cao chất lượng mặt công tác này…

Đề cập về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú lưu ý: Trách nhiệm của toàn ngành và của mỗi cán bộ kiểm tra là phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 21-KL/TƯ, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo..., qua đó góp phần giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng.

Có thể nói, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng là vấn đề khó, chịu nhiều áp lực, phải làm từng bước và phải có thời gian. Tin tưởng rằng, từ quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, nội bộ tổ chức sẽ trong sạch, để Đảng ta ngày càng vững mạnh.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các địa phương, đơn vị đã kiểm tra 998 tổ chức Đảng và 3.580 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; phải thi hành kỷ luật 116 tổ chức (chiếm 23,4% số tổ chức vi phạm), 1.646 đảng viên (chiếm 62,8% số đảng viên vi phạm), đã thi hành kỷ luật 59 tổ chức và 1.389 đảng viên.

Nội dung kiểm tra tiếp tục đi vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; những việc mới, khó, phức tạp, điển hình như: Công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của một số cơ quan tư pháp; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; phòng chống buôn lậu; giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống; thực hiện trách nhiệm nêu gương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.