Đời sống

Giữ hồn Tết Trung thu

Minh Vũ 12/09/2020 09:11

Tết Trung thu, trong ký ức của rất nhiều người, đã gắn liền với hình ảnh những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân; hay những con tò he, cái trống ếch, mặt nạ giấy, tàu thủy sắt...

Đèn lồng

Trong hội rước đèn không thể nào thiếu đèn lồng. Đèn lồng có rất nhiều hình dáng, phổ biến có đèn cá chép, đèn xếp giấy, đèn con cua, con công, đèn hoa sen màu sắc rực rỡ… Trong đèn lồng cũng được thắp sáng bằng cây nến nhỏ (sau này hiện đại hơn thì thay bằng bóng điện nhỏ), chiếu lên những màu sắc lung linh.

Đêm Trung thu xưa, đám trẻ thường xách theo đèn lồng, đuổi bắt nhau ngoài phố, nhưng cẩn thận để không làm đèn tắt. Đèn đứa nào đẹp hơn, lâu tắt hơn thì đứa đó tự hào là thắng cuộc.

Đèn lồng bây giờ không còn được ưa chuộng như trước, nhưng trang trí Tết Trung thu thì thường phải có đèn lồng. Nó vừa tươi màu, rẻ tiền lại vừa thân thiện với môi trường. 

Đèn kéo quân

Ngày nay, ít em nhỏ biết đến đèn kéo quân vì nó không còn phổ biến. Nhưng đèn kéo quân là một đồ chơi truyền thống quen thuộc thời xưa và được ưa chuộng mỗi khi Trung thu về.  

Đèn được làm bằng giấy bóng kính, bao quanh một chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Bên trong lồng đặt một ngọn nến và có các hình vui mắt, gọi là “quân”. Đèn này độc đáo ở chỗ lồng kéo sẽ xoay tròn, do không khí nóng lên khi đèn thắp sáng. Lúc đó các “quân” sẽ di chuyển thành vòng tròn rất thú vị. 

Trẻ em thường túm năm tụm ba quanh chiếc đèn kéo quân, say sưa ngắm những “quân” trên đèn. “Quân” thường là hình các con giống, cũng có thể là hình các nhân vật, được yêu thích nhất là hình các đội quân trong lịch sử, hình ông Trạng vinh quy bái tổ, hình Tứ linh nhảy múa... Mỗi chiếc đèn kéo quân lại gửi gắm một câu chuyện có ý nghĩa.

Đèn kéo quân hiện đại có khung bằng nhựa, phủ bên ngoài bằng lụa mỏng, trong thay nến bằng đèn điện, quay bằng mô tơ.

Tàu thủy sắt

Dù không phải là đồ chơi Trung thu lâu đời như những loại đèn kể trên, nhưng tàu thủy sắt tây lại gợi nhớ những nét rất đặc biệt về Tết Trung thu của người Việt, nhất là với những người đã sống qua thời bao cấp. 

Tàu thủy làm bằng sắt tây, vốn là những mẩu sắt vụn, vỏ lon sữa bò. Bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ đã biến chúng thành món đồ chơi được trẻ con ưa thích. Chiếc tàu nho nhỏ, thường được sơn màu sắc sặc sỡ, gắn thêm một lá cờ Tổ quốc trên mũi, có thể chạy trên mặt nước là niềm say mê đặc biệt của các bé trai, là khởi nguồn của bao ước mơ làm thủy thủ... 

Ngày nay trẻ con không còn hào hứng với món đồ chơi này, đa số sản phẩm được bán cho du khách nước ngoài làm đồ lưu niệm. Nhưng trên phố mỗi dịp Trung thu, tàu thủy sắt vẫn được bày bán và được khá nhiều người hoài cổ tìm mua. 

Mặt nạ giấy bồi

Mặt nạ giấy bồi là một trong những nét đẹp riêng của văn hóa Việt Nam gắn liền với dịp rằm tháng Tám. Trung thu xưa, trẻ nào cũng sẽ có hoặc ao ước có một chiếc mặt nạ giấy bồi cho riêng mình để vui hội trăng rằm.

Mặt nạ có nhiều hình đa dạng, từ gương mặt chú Tễu, ông Địa cho tới các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở hay nhiều hình ảnh động vật ngộ nghĩnh, lạ mắt khác… 

Mặt nạ giấy bồi, nhìn đơn giản nhưng làm khá kỳ công. Đầu tiên phải dán giấy lót lên một một khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt, sau đó dán bồi lên bằng 5,6 lớp giấy báo xé vụn. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.

Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô. Mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh. Sau đó người thợ sẽ tô màu bằng tay.

Chiếc mặt nạ đẹp hay không tùy vào bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người làm. Chính vì thế, giá thành một chiếc mặt nạ giấy bồi thường không rẻ, từ 30 đến 50 nghìn đồng. 

Với trẻ em hiện nay, mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi khá xa lạ. Các em quen thuộc nhiều hơn với các loại mặt nạ làm từ nhựa và các món đồ chơi hiện đại khác…

Trống ếch

Có lẽ món đồ chơi tạo không khí hào hứng nhất trong dịp Trung thu đối với trẻ em chính là trống ếch. Thân trống được sơn đỏ, mặt trống được căng bằng da mỏng. Khi gõ lên mặt thì kêu “tùng”, gõ xuống thân kêu “cắc”. 

Trống ếch nhỏ xinh, giá lại khá rẻ, chỉ vài chục nghìn nên được trẻ em đặc biệt yêu thích.

Cứ đến gần rằm là tiếng trống ếch vang lên khắp đầu thôn, cuối ngõ. Tiếng “tùng, cắc” vui tai rộn rã tạo nên sự đặc trưng của ngày tết Trung thu. 

Đầu sư tử

Đầu sư tử với màu sắc rực rỡ mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, tốt lành, là “linh hồn” của mâm cỗ Trung thu.

Đầu sư tử thường được làm rất cầu kỳ nên giá không hề rẻ. Cốt bên trong là song và tre, ngoài bồi bằng giấy và vẽ tay, sau đó được gắn phụ kiện để thêm sinh động.

Bằng sự tỉ mỉ và óc sáng tạo, những người thợ thủ công làm ra những chiếc đầu sư tử đa dạng về màu sắc và kích cỡ. Có cái to để múa, có cái vừa để bày cỗ, có cả những chiếc đầu sư tử nho nhỏ để trẻ con có thể cầm chơi, thỏa thích với niềm ham mê của mình.

Đầu sư tử rất được ưa chuộng vì hình dáng, màu sắc đẹp, chất liệu thân thiện với môi trường.

Tò he

Từ những nguyên liệu đơn giản như bột nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với bàn tay điêu luyện và sáng tạo của nghệ nhân, tò he là thứ đồ chơi tinh tế làm say mê bao tâm hồn thơ trẻ.

Những nhân vật tò he gắn với thế giới cổ tích muôn màu của trẻ nhỏ, từ Tôn Ngộ Không tài giỏi, công chúa Bạch Tuyết xinh đẹp đến những chú gà, chú thỏ, bông hoa… 

Dường như người nặn tò he nào cũng có thể thỏa mãn bất cứ các yêu cầu của trẻ. Chỉ cần nói với người nặn mình thích hình gì, là chỉ một lúc sau đã có hình đó trên tay.

Tò he là số ít những đồ chơi Trung thu truyền thống được yêu thích đến ngày nay. Tò he hướng trẻ em đến sự khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo nghệ thuật và cách kết hợp màu sắc đẹp mắt.

Tết Trung thu được coi là tết của thiếu nhi, tết đoàn viên, những đồ chơi Trung thu truyền thống chứa đựng nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các món đồ chơi thường được làm thủ công bằng các nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, gắn với đời sống con người Việt Nam. 

Giữa cuộc sống hiện đại, bộn bề những lo toan, bên cạnh những món đồ chơi công nghiệp, đồ chơi ngoại nhập đang tràn ngập thị trường, những món đồ chơi Trung thu truyền thống là một "nốt trầm xao xuyến", làm thức dậy tình yêu với những giá trị lâu đời của người Việt. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ hồn Tết Trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.