Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ giống bưởi Quế Dương

Nguyễn Mai| 11/12/2011 07:09

(HNM) - Ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức có giống bưởi quý, quả sai lại thơm ngon. Chuyện kể rằng, các năm 1945, 1971 của thế kỷ trước, nước sông lên to, vỡ đê hữu Hồng, lụt lội khắp nơi. Rất nhiều cây ăn quả trong vùng bị chết. Nhưng thật kỳ lạ, cây bưởi Quế Dương vẫn sống, ra hoa kết trái bình thường.

Cây bưởi tổ nhà cụ Minh. Ảnh: Minh Phú

Ngày cuối năm, mưa phùn lấm đất càng khiến cái lạnh thêm tái tê, tôi tìm về xã Cát Quế để được chứng kiến tận mắt cây bưởi tổ và những người lưu giữ giống bưởi quý Quế Dương này. Vượt qua bãi Đáy trù phú với những ruộng xu hào, cải bắp xanh mơn mởn, tôi đến gặp cụ Minh, nhà thôn Tam Hợp, người trồng và lưu giữ cây bưởi "cổ thụ" nhất vùng Quế Dương hiện nay. Đang giữa mùa bưởi chín, khu vườn nhà cụ Minh thơm ngào ngạt, cành la cành bổng quả sai lúc lỉu, vàng óng ả. Cây tổ có gốc to nhất, nằm ở góc vườn, lá to hơn và có màu xanh đậm hơn bưởi Diễn, cành sum suê tỏa rộng một góc vườn. Cụ Minh cho biết, cụ sắp sang tuổi 90. Thời còn "con gái", nhà cụ ở thôn Tháp Thượng, bố mẹ có cây bưởi quý gieo bằng hạt, quả ngon nên nhiều người trong họ đến xin về làm giống. Khi cụ đi lấy chồng về làm dâu nhà họ Nguyễn Bách, bố cụ có chiết một cành cho cụ mang về nhà chồng. Từ đó đến nay đã hơn 70 năm, cây bưởi này đã thành cổ thụ. Trái bưởi Quế Dương có hình tròn, hơi dẹt, quả nặng khoảng 1,2-1,5kg, rất thơm, vị ngọt dịu. Theo cụ Minh, từ cây bưởi tổ này, cụ đã chiết cho nhiều người. Nay những cây con, cây cháu từ cây bưởi tổ cũng đã 40-50 năm tuổi.

Sát nhà cụ Minh là nhà ông Nguyễn Huy Chung, chủ nhân của khu vườn rộng 3 sào với gần 50 gốc bưởi, trong đó có 3 gốc bưởi Quế Dương hơn 20 năm tuổi, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Ông Chung cho biết từ khi ông xin giống bưởi nhà cụ Minh về trồng đến nay, sau 6 năm trồng cây, năm nào cũng sai quả. Từ cây bưởi này, ông cũng đã chiết cành, cho giống nhiều người khác, đến nay đều có quả ngon. Tuy nhiên, bưởi Quế Dương có chất lượng nhất chỉ khi nó được trồng trên đất bãi của xã. Nếu đem trồng nơi khác, hương vị không thể ngon bằng. Có lẽ là do giống bưởi này chỉ hợp với loại đất thịt pha cát vùng bãi ven Đáy.

Không chỉ là cây trồng bản địa được người làng yêu thích, bưởi Quế Dương còn là cây trồng làm giàu. Những người trồng bưởi xã Cát Quế vẫn còn nhớ rõ vào năm 2006, tại thôn Cát Ngòi, một cây bưởi Quế Dương của nhà ông Thọ đã cho tới 900 quả (tính ra khoảng hơn một tấn), bán được tới 5,5 triệu đồng. Còn trung bình mỗi gốc bưởi Quế Dương cho thu 400-500 quả. Bưởi Quế Dương chín sớm hơn bưởi Diễn, độ Tết Trung thu là đã ăn được. Loại bưởi này có thể cất giữ được 5-6 tháng mà không hỏng nếu được bảo quản nơi khô ráo. Chẳng thế mà cứ độ gần Tết Nguyên đán, thương lái thường vào tận nhà dân để thu mua, nhiều người trong vùng cũng đặt mua để biếu hoặc để dành làm đặc sản mời khách thưởng thức.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Như Hảo cho biết, thôn có 3.300 hộ dân thì có tới 3.000 hộ trồng giống bưởi này. Thông thường, mỗi nhà đều trồng một vài cây để lấy quả. Trong đó có nhiều cây trên 20 năm tuổi vẫn cho thu hoạch đều. Hiện đất nông nghiệp của xã đang trồng cây ăn quả chủ yếu với các giống bưởi Quế Dương, bưởi Diễn, cam Canh. Mấy năm gần đây, bưởi Diễn thường mất mùa nên người dân có xu hướng chuyển sang trồng bưởi Quế Dương, nâng tổng diện tích trồng giống bưởi này lên 15ha. Gần đây, xã được tiếp nhận dự án "Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy huyện Hoài Đức" của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu đã lập vườn ươm, tiến hành nhân giống bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại như Invitro, cấy ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra nguồn giống hoàn toàn sạch bệnh, khỏe mạnh mà vẫn giữ được các đặc tính ưu việt của giống bưởi đường Quế Dương. Nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản theo quy trình công nghệ tiên tiến cho người trồng bưởi được tổ chức khiến bưởi Quế Dương như được tiếp thêm sinh khí mới. Gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã bình tuyển được 13 cây bưởi Quế Dương đầu dòng để chọn tạo, nhân giống. Cây bưởi đã được bảo tồn, người dân xã Cát Quế lại mong ngóng, giúp đỡ để đăng ký thương hiệu cho bưởi Quế Dương nâng cao giá trị trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ giống bưởi Quế Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.