(HNM) - Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước gồng mình chống dịch, nhưng khó khăn, vất vả nhất vẫn là những người ở tuyến đầu trong nỗ lực cứu chữa người bệnh và hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Góp sức vào nỗ lực chung ấy, cán bộ, công nhân ngành Điện Thủ đô ngày đêm giữ dòng điện thông suốt, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch của các bệnh viện, cơ sở y tế.
Sục sôi tinh thần phục vụ
Cho đến giờ, những cán bộ kỹ thuật Công ty Điện lực Ba Đình vẫn nhớ những ngày tuyến phố Trúc Bạch và Bệnh viện Hồng Ngọc (quận Ba Đình) được cách ly phòng, chống dịch Covid-19. 14 ngày cách ly là 14 ngày tất cả các thành viên trong Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực Ba Đình bám địa bàn, làm việc gấp hai gấp ba ngày thường, không để xảy ra một sơ suất nào dù là nhỏ nhất.
Nhắc lại thời điểm đó, anh Nguyễn Bình Thanh, Đội trưởng Đội quản lý điện 1 chia sẻ, cái khó không phải nằm ở trang thiết bị, vật tư hay vấn đề kỹ thuật, bởi chuẩn bị cho những tình huống phòng, chống dịch Covid-19 hay thực hiện cách ly khu phố, thậm chí rộng hơn, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cũng như Công ty Điện lực Ba Đình đã lên phương án chi tiết, cụ thể. Vấn đề chính nằm ở tâm lý đội ngũ tham gia trực chiến. Bởi vậy, công ty đã lựa chọn cán bộ ứng trực đều có hơn 10 năm tuổi nghề, tâm lý ổn định, vững vàng, nhiều kinh nghiệm để kịp thời khắc phục sự cố xảy ra một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Là công nhân quản lý khu vực phố Trúc Bạch, anh Nguyễn Tuấn Anh, có 11 năm thâm niên trong nghề tâm sự: “Chúng tôi nhận thức rõ sự nguy hiểm, mức độ lây lan của dịch Covid-19, tuy nhiên cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Giữ dòng điện thông suốt thì công tác phòng, chống dịch mới hiệu quả, nên chúng tôi luôn động viên nhau giữ tâm lý vững vàng khi thực hiện công việc”. Còn anh Trần Thanh Sang, thành viên trẻ nhất của Đội quản lý điện 1 cho rằng, ngoài sự đoàn kết, tinh thần tập trung khi làm việc, đơn vị đã trang bị đủ thiết bị bảo vệ, như quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính mắt, nước sát khuẩn… nên các thành viên rất yên tâm.
Thực tế, tâm sự của Tuấn Anh hay Thanh Sang cũng là suy nghĩ chung của những công nhân điện tham gia ứng trực bảo đảm cấp điện phục vụ công tác chống dịch. Theo ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI, không chỉ riêng khu vực phố Trúc Bạch hay Bệnh viện Hồng Ngọc, tại 30 quận, huyện, thị xã, ngành Điện đều tăng cường ứng trực và bảo đảm điện. Trong đó, trọng điểm là các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 hay các điểm cách ly tập trung. Mỗi đội ứng trực từ 3 đến 4 người, ngoài trang bị kỹ thuật còn được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ y tế. “Những năm tháng giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, Hà Nội chìm trong khói lửa nhưng những người thợ điện Thủ đô vẫn không quản ngại khó khăn, quyết tử để bảo vệ dòng điện phục vụ quân, dân Thủ đô chiến đấu và sản xuất. Và hôm nay, khi toàn dân chiến đấu với kẻ thù mang tên Covid-19, một lần nữa tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” lại được tái hiện. Chúng tôi luôn sục sôi tinh thần phục vụ, nên khi được giao nhiệm vụ, không một ai nề hà, sẵn sàng lên đường ngay” - ông Hùng nói với ánh mắt tự hào.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, điểm “nóng” về dịch Covid-19, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa đã có mặt cùng đội ứng trực gần một tuần nay. Ông Thịnh kể, ngay từ khi dịch Covid-19 chưa xâm nhập vào Việt Nam, đơn vị đã xác định bệnh viện là khu vực trọng điểm, nên tất cả quân số luôn ở tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. "Công ty cũng cử 2 cán bộ chịu trách nhiệm phụ trách trực tiếp địa bàn này để xử lý mọi tình huống phát sinh nhanh nhất. Bệnh viện Bạch Mai được cấp điện từ 2 nguồn 110kV và 3 nguồn trung thế. Chúng tôi đã cùng bệnh viện kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, chạy thử hệ thống 11 máy phát dự phòng và tất cả đều hoạt động ổn định" - ông Thịnh thông tin.
Khi Bệnh viện Bạch Mai trở thành điểm dịch, EVNHANOI đã thực hiện ngay các kịch bản được lên sẵn để bảo đảm cung ứng điện phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, trên địa bàn quận Đống Đa, có 16 bệnh viện và 32 cơ sở y tế, đến nay, tất cả đều đã được lập phương án cụ thể, kiểm tra tất cả các đường dây. Nếu có sự cố nguồn, hệ thống máy phát điện diesel sẽ cung cấp điện để bảo đảm dòng điện luôn liên tục, ổn định.
Chủ động phương án, giữ vững dòng điện
Theo ông Lê Việt Hùng, từ đầu tháng 2-2020, EVNHANOI đã tăng cường các ca trực, các đợt kiểm tra, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm cung cấp điện cho bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương…
“Ngành Điện Thủ đô quyết tâm giữ vững dòng điện kể cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất” - ông Nguyễn Danh Duyên, Tổng Giám đốc EVNHANOI khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới. Theo ông Duyên, EVNHANOI đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ chéo giữa các đội quản lý vận hành và giữa các đơn vị. Tại EVNHANOI, hai đội công tác đặc biệt được thành lập, trực xử lý sự cố qua đường dây nóng 24/24 giờ và sẵn sàng hỗ trợ các công ty điện lực quận, huyện, thị xã. Trường hợp khẩn cấp, nhân lực của đội có thể huy động bổ sung từ các cán bộ, công nhân viên khối gián tiếp đã kinh qua công tác vận hành. Bên cạnh đó, EVNHANOI còn xây dựng các phương án làm việc xoay vòng từ xa cho khối gián tiếp, bảo đảm hiệu quả công việc cũng như phòng ngừa dịch bệnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, EVNHANOI đã thực hiện rất tốt công tác bảo đảm điện, phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tại 98 bệnh viện, 404 cơ sở y tế, cũng như các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố, các công ty điện lực đều có phương án bảo đảm điện ổn định, liên tục. “Chúng tôi đã yêu cầu các công ty điện lực tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cho dù dịch bệnh diễn biến phức tạp đến đâu, EVNHANOI vẫn bảo đảm duy trì cung cấp điện liên tục, an toàn và ổn định cho địa bàn Thủ đô” - ông Duyên khẳng định.
Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép giảm giá điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Ngành Điện Hà Nội đang chờ hướng dẫn và sẽ triển khai ngay, khi có quyết định cụ thể. Tất cả đều hướng tới sự thuận tiện, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.