Kinh tế

Giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Lam Giang 13/05/2025 - 06:19

4 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp cả nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực; trong đó, công nghiệp chủ lực “ghi điểm” ấn tượng.

Để giữ đà cho các tháng tiếp theo, nhiều giải pháp mạnh đang tiếp tục được triển khai nhằm linh hoạt ứng phó với tình hình, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.

o-to-1.jpg
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Thaco Kia (Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải).

Công nghiệp chủ lực ghi điểm

Số liệu do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 4-2025 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng tới 10,1%, đóng góp quan trọng vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ tăng 35,1%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; cao su và plastic tăng 16,4%; trang phục tăng 15,7%...

Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực ghi điểm trong 4 tháng đầu năm 2025 khi tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ô tô tăng 76,9%; tivi tăng 27,7%; khí hóa lỏng LPG tăng 23,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,5%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,6%; quần áo tăng 15%; giày, dép da tăng 9,8%; thép cán tăng 9,4%...

Theo Bộ Công Thương, kết quả này có được nhờ sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ nút thắt thủ tục, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất cùng sự năng động, nhạy bén khi đối mặt với khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp tại từng địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, công nghiệp chủ lực phục hồi là do Chính phủ đẩy mạnh kích cầu đầu tư công, giúp ngành vật liệu, cơ khí, thép… hưởng lợi trực tiếp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, kết quả này phản ánh nỗ lực của năm trước và quyết tâm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong năm nay và những cơ hội đang có, đúng với đánh giá thực tế và mục tiêu đã đề ra.

Tạo đà tăng trưởng các tháng tiếp theo

sx-thep.jpg
Sản xuất cáp thép dự ứng lực chất lượng cao tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới còn nhiều khó khăn khi bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều tác động, nhất là xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào, những diễn biến khó lường trong chính sách thuế của Hoa Kỳ... Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp căn cơ hơn nữa.

Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II-2025 và đang thương thảo cho quý III-2025. Tuy nhiên, các đối tác có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, bên cạnh xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế tiếp theo.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường thông tin, toàn hệ thống dệt may đang triển khai nhanh các đơn hàng đã có bằng cách bố trí sản xuất tăng thời gian làm thêm giờ theo quy định, có nhiều giải pháp tăng năng suất.

“Các đơn vị trong ngành đang tận dụng triệt để thời cơ ngắn hạn trong 90 ngày Hoa Kỳ tạm hoãn thuế đối ứng để có thể hoàn thành tốt các đơn hàng trong giai đoạn này, qua đó thể hiện rõ năng lực bứt phá, trách nhiệm đối với khách hàng, tạo dựng uy tín và lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới”, ông Lê Tiến Trường nói.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, doanh nghiệp luôn sẵn sàng thích ứng linh hoạt với những diễn biến thị trường trong và ngoài nước, trong đó duy trì tỷ trọng xuất khẩu khoảng 20%. Dự kiến sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát có thể tăng sản lượng bán hàng thêm 35% trong năm nay; cùng đó, doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược tăng tỷ trọng sản xuất các loại thép chất lượng cao.

Đáng chú ý, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được triển khai đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành vào quý IV năm nay, qua đó, Tập đoàn phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Để giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong các quý tới, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cùng với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần tích cực đàm phán với đối tác để có mức thuế quan phù hợp đồng thời chia sẻ rủi ro, khơi thông các bế tắc của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cũng nên đưa ra các kịch bản ứng phó để nhanh chóng thích nghi, nỗ lực đa dạng hóa thị trường đề phòng các trường hợp xấu nhất, đồng thời tái cơ cấu hoạt động theo hướng linh hoạt, hiệu quả.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án trọng điểm của quốc gia, từ đó thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình làm việc với các địa phương và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có. Qua đó nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại những vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.