Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ cho rừng thêm xanh

Nguyễn Mai| 20/08/2016 16:20

(HNM) - Không còn đất trống, đồi núi trọc, những mảng rừng xanh ngắt là

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Ba Trại (huyện Ba Vì) cùng bà con người Dao kiểm tra, chăm sóc cây rừng.



Cán bộ Trạm Kiểm lâm Ba Trại (Ba Vì) Đỗ Anh Tuấn dẫn chúng tôi thăm những vạt rừng trồng xanh mướt, trải dài ngút tầm mắt. Từ lưng chừng núi Ba Vì phóng tầm mắt ra xa, đất lâm nghiệp các xã Ba Vì, Khánh Thượng đã phủ kín màu xanh của cây rừng. Khu rừng trồng của hộ gia đình ông Trần Anh Hào, thôn Đồi Bù Lu, xã Khánh Thượng được phủ kín cây ăn quả gồm cam, bưởi Diễn... Với thâm niên gần 30 năm gắn bó với rừng Ba Vì, ông Hào cho biết: Ban đầu, khi nhận 31ha đồi trọc Nhà nước giao, gia đình đã đổ bao mồ hôi, công sức để cải tạo. Đất đồi cằn khô, trồng cây không dễ, gia đình phải đem từng xô nước để tưới. Lấy ngắn, nuôi dài; khi keo còn nhỏ, gia đình ông đã trồng thêm sắn, ngô. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, gia đình ông Hào đã mở rộng diện tích nhận khoán rừng lên 45ha. Mới đây, thực hiện dự án của Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình đường băng cản lửa, giúp phòng cháy, chữa cháy rừng, gia đình ông Hào đã trồng 2ha cây đinh lăng bao quanh khu rừng. Đinh lăng lá xanh quanh năm, không bắt lửa, ngăn cản ngọn lửa cháy lan. Ngoài chức năng trên, đinh lăng còn là cây dược liệu giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập khá. Từ trồng rừng, kết hợp với chăn nuôi lợn thịt, mỗi năm ông Hào thu về hàng tỷ đồng.

Ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, gia đình ông Lê Văn Bốn cũng là một điển hình làm kinh tế giỏi dưới tán rừng. Từ những năm 1990, gia đình được giao đất theo dự án “Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” của Nhà nước, chỉ với 5ha ban đầu, ông Bốn bắt tay vào trồng keo, bạch đàn, kết hợp chăn nuôi. Nhận thấy keo, bạch đàn cho thu nhập, xóa được đói nghèo nhưng khó có thể làm giàu được từ rừng, năm 2000, gia đình ông đã chuyển sang trồng các loại cây giá trị như: Sao đen, dổi, quế, bách xanh, kim giao... và xin mở rộng diện tích rừng lên 20ha.

Khác với trồng keo 5-7 năm cho thu hoạch, các hộ khai thác hết rồi trồng lứa keo mới, thì các loại cây rừng ông Bốn trồng như kim giao, bách xanh phải kéo dài 20 năm mới khai thác vụ chính. Nhưng bù lại, vẫn có thu nhập thường xuyên do tỉa cây bán hằng năm. Chỉ “trồng chơi, bán tỉa” thôi nhưng theo tính toán của ông Bốn, thu nhập cao hơn trồng keo gấp 5-7 lần mà rừng lúc nào cũng xanh tươi. Ngoài trồng rừng, gia đình ông Bốn còn nuôi cá, chăn bò, lợn rừng, dê và gà đồi với số lượng hàng trăm con.

Theo Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long: Ông Bốn là người có thâm niên trồng rừng lâu năm nhất ở huyện Thạch Thất. Không chỉ giỏi làm kinh tế từ rừng, với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Xuân, mỗi năm, ông nhận giúp đỡ từ 3 đến 5 hộ nông dân nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Học tập ông Bốn, nhiều hộ gia đình ở xã Tiến Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái thay thế rừng keo, bạch đàn kết hợp chăn nuôi nên đời sống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây đã có những chuyển biến tích cực...

Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết thêm: Ngoài diện tích rừng tự nhiên do Vườn quốc gia Ba Vì quản lý, xã Khánh Thượng có hơn 640ha rừng trồng nhiều năm qua được chăm sóc và bảo vệ tốt. Những năm gần đây, các hộ còn trồng thêm lát và các cây công trình như sấu, sao đen... cho hiệu quả kinh tế cao. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho hay: Bên cạnh diện tích rừng thuộc Vườn quốc gia Ba Vì quản lý, rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, rừng đặc dụng ở Hương Sơn... được bảo tồn nghiêm ngặt, diện tích đất sản xuất lâm nghiệp ở Hà Nội cũng đã được phủ xanh và khai thác ngày một hiệu quả. Toàn TP Hà Nội có 29.160ha rừng và đất lâm nghiệp, tuy diện tích không lớn nhưng có giá trị và ý nghĩa vô cùng quan trọng: Là vành đai xanh, “Lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động thực vật phong phú; lưu giữ những phong tục tập quán, những kiến thức bản địa nghìn năm văn hiến; bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, góp phần hình thành và gìn giữ nhân cách thanh lịch, tôn trọng lịch sử và có trách nhiệm với tương lai của người dân Thủ đô...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ cho rừng thêm xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.