(HNM) - Dù đã giảm đáng kể nhưng vi phạm hành lang lưới điện vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến công tác truyền tải. Nỗ lực của cán bộ ngành Điện Thủ đô khi căng mình đi kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn trong vận hành sẽ là chưa đủ nếu thiếu sự sâu sát của chính quyền địa phương. Mùa mưa bão đến gần, để giữ dòng điện thông suốt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân.
Coi thường sự nguy hiểm
Vi phạm hành lang lưới điện cao áp 110kV trên địa bàn xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo ngày 8-4-2022 của Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội (Tổng công ty Điện lực Hà Nội - EVNHANOI), tại vị trí cột 23-24 tuyến đường dây 110kV lộ 172 trạm 220kV E1.4 Hà Đông đi trạm 110kV E1.5 Thượng Đình, bên cạnh vi phạm cũ đã phát sinh bãi tập kết xe tải, xe khách đường dài, luân chuyển hàng hóa và bãi trông giữ ô tô trong hành lang lưới điện, vi phạm khoảng cách an toàn. Vi phạm này được đánh giá có tính chất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn lưới điện. Khảo sát thực tế, không chỉ bãi ô tô tự phát, dưới đường dây điện khu vực này còn có một dãy ki ốt kinh doanh dịch vụ…
Theo Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, tốc độ đô thị hóa nhanh, các tòa chung cư cao tầng và nhà dân xây dựng liên tục là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Do các tuyến đường dây và trạm biến áp nằm rải rác ở 30 quận, huyện, thị xã, nên cán bộ, nhân viên của ngành Điện rất vất vả trong kiểm tra, giám sát. Các vi phạm liên quan đến hành lang an toàn lưới điện phổ biến như lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, tự ý xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, trồng cây...
Theo thống kê của EVNHANOI, trong năm 2021 đã có 146 sự cố liên quan đến người dân chơi diều, 51 sự cố liên quan đến các loại bóng bay rơi vào đường dây cao áp; 16 vụ liên quan đến bạt, lưới trong xây dựng hoặc trong canh tác nông nghiệp, 56 vụ liên quan đến cây xanh vi phạm hành lang an toàn lưới điện; 114 vụ thi công xây dựng gây sự cố lưới điện. Mặc dù các đơn vị quản lý vận hành lưới điện đã cảnh báo về sự nguy hiểm, khuyến nghị, khuyến cáo, chủ động hỗ trợ các biện pháp an toàn điện, song không ít cá nhân, tổ chức không tôn trọng, thực hiện.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Đề cập đến vi phạm hành lang lưới điện 110kV tại xã Tân Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng thừa nhận, những vi phạm này tồn tại từ năm 2020. Chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu các hộ dân có công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện tháo dỡ, di chuyển vật dụng, công trình. Mới nhất, cuối tháng 3-2022, UBND xã Tân Triều phối hợp với Công an huyện Thanh Trì tháo dỡ 4 lều lán tạm, 200m hàng rào tôn, di chuyển 2 container, thu giữ nhiều biển, bảng quảng cáo.
“Tuy nhiên, một số công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện nằm trong ô đất CL5 đã được giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở nên vượt thẩm quyền của xã. Chúng tôi đã báo cáo UBND huyện để có phương án xử lý dứt điểm. Trước mắt, UBND xã đã có thông báo và yêu cầu các hộ không kinh doanh trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện”, ông Nguyễn Văn Lăng cho hay.
Theo Trưởng ban Truyền thông EVNHANOI Nguyễn Thị Thu Phương, năm 2022, dự kiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Việc cung ứng điện cho Thủ đô đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng. Do đó, việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là rất quan trọng. EVNHANOI đã tham mưu, tư vấn kỹ thuật cho các cấp, ngành thành phố trong xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; đồng thời tuyên truyền tới các khách hàng, hộ dân, doanh nghiệp gần hành lang lưới điện hiểu rõ sự nguy hiểm và thiệt hại do vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Ngành Điện cũng phối hợp cùng Sở Công Thương, thành viên Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thành phố, UBND các địa phương kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; yêu cầu ban quản lý các dự án cam kết bảo đảm an toàn lưới điện.
Đầu tháng 3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định quản lý bảo đảm an toàn điện và quy định xử lý công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220kV nếu đáp ứng đủ điều kiện như mái lợp và tường bao phải bằng vật liệu không cháy; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận của đường dây. Khoảng cách từ nhà ở, công trình xây dựng đến dây dẫn điện gần nhất không nhỏ hơn 3m (với đường dây đến 35kV), 4m (với đường dây 110kV) và 6m (với đường dây 220kV). Không cho phép tồn tại nhà ở, công trình có người thường xuyên sinh sống trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây từ 500kV trở lên.
Thực tế hiện nay, xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp là một vấn đề phức tạp. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành Điện cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân, đặc biệt là trong khu vực đô thị, tập trung đông dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.