Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giỏi việc, thạo nghề

Yên Thái| 04/10/2011 07:16

(HNM) - Xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một làng nghề trăm năm tuổi, nổi tiếng với sản phẩm da giày truyền thống. Toàn xã có trên 200 cơ sở sản xuất (chủ yếu ở thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) xuất xưởng hơn 4 triệu đôi giày mỗi năm, thu hút khoảng 2.000 lao động trong vùng.


Xã Phú Yên đã xuất hiện nhiều tỷ phú với tài sản hàng chục tỷ đồng. Trong sự khởi sắc này, Nguyễn Thanh Quang là người tham gia khá sớm vào dòng chảy đó. Không bằng lòng với vốn nghề tại chỗ, anh tìm đến những nghệ nhân giày da cao niên ở Hà Nội để học hỏi, sau đó về quê, nhận hàng làm gia công cho người khác để kiểm nghiệm mình. Vào những năm 1993-1994, Quang đã mạnh dạn thế chấp sổ đỏ của gia đình, vay 10 triệu đồng mua máy móc, đồ nghề và nguyên liệu, bắt đầu khởi nghiệp. Anh chọn sản phẩm chính là giày nam, căn cứ thị hiếu theo "phom" giày lúc đó để phác mẫu, pha nguyên liệu, thuê thợ làm gia công, đồng thời nhận dạy nghề cho học viên. Khi công việc đã định hình, giao cho vợ trông nom cơ sở, rồi lại tìm đến các vùng có nghề giày để học các kỹ thuật khó, hoàn chỉnh một đôi giày đẹp. Sau 2-3 năm làm nghề, Quang đã định hình được cơ sở sản xuất hoàn chỉnh và từ đó xây dựng nên thương hiệu cơ sở giày Hạnh Quang cho đến nay.

Nguyễn Thanh Quang cho rằng, muốn phát triển, chỉ lòng yêu nghề thôi chưa đủ, phải mạnh dạn và luôn tìm tòi cái mới. Lợi thế của giày da Phú Yên là giá rẻ hơn so với các chủng loại giày dép khác bởi nguồn nhân lực tại chỗ và nguyên liệu trong nước giá thấp. Tuy nhiên, làm giày cũng như làm nhà, tất cả các công đoạn cần được xử lý thật tốt mới cho sản phẩm đẹp, bền mà vẫn rẻ. Thực tế, giày của Quang đã chiếm lĩnh thị trường ở ngay những nơi được coi là "phủ kín" đồ da của Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An… Điều này là kết quả của sự đầu tư nhiều mặt. Cơ sở sản xuất của Quang gần như là nơi sớm nhất trong làng bỏ ra món tiền lớn mua thiết bị kỹ thuật cao như máy lạng mỏng da (máy "dẫy"), máy chặt, máy ép làn…

Hiện nay, cơ sở sản xuất của Quang đã có cơ ngơi khang trang với nhà xưởng hàng ngàn mét vuông, lúc cao điểm có thể sản xuất 200-300 đôi giày mỗi ngày, thường xuyên nhận truyền nghề cho hàng chục thợ và tạo việc làm cho 11 tổ gia công. Làm ăn khấm khá, Quang thường xuyên dành phần vật chất ủng hộ quê hương, giúp đỡ các hộ khó khăn. Quang cũng là thành viên tích cực xây dựng thương hiệu làng nghề Phú Yên và hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Giày da của xã. Năm 2010 vừa qua anh đã được tôn vinh "Người tốt, việc tốt" cấp thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giỏi việc, thạo nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.