Các bạn trẻ yêu thích thiên văn học sẽ có cơ hội được quan sát nhật thực lần thứ 6 ở Việt Nam trong thế kỷ 21.
Vào sáng 9.3 này, các bạn trẻ yêu thích thiên văn học sẽ có cơ hội được quan sát hiện tượng nhật thực lần thứ 6 ở Việt Nam trong thế kỷ 21 (lần tiếp theo dự đoán vào tháng 12.2019).
Tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam đều có thể quan sát nhật thực vào sáng 9.3, tuy nhiên chỉ quan sát được nhật thực một phần - Ảnh minh họa: Reuters |
Theo NASA, vào sáng 9.3, một khu vực rộng lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm phần lớn Đông Nam Á và Úc, sẽ quan sát được nhật thực một phần. Còn nhật thực toàn phần sẽ chỉ quan sát được tại các khu vực nằm trong một dải hẹp (bề rộng thay đổi từ 94 km tới 155,1 km) bắt đầu từ Ấn Độ Dương (phía tây đảo Sumatra, Indonesia), sau đó đi qua một số vùng trên lãnh thổ của Indonesia rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương, kết thúc ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương (phía bắc đảo Hawaii, Mỹ).
Theo dự đoán của NASA, nhật thực cực đại xảy ra lúc 01:57:12 UT sáng 9.3 (tức 8 giờ 57 phút sáng tại Việt Nam).
Từ nhiều ngày qua, trên nhiều website, diễn đàn, fanpage Facebook... của những bạn trẻ đam mê thiên văn học đã rạo rực những bài viết, topic nghiên cứu và tổng hợp thông tin về hiện tượng này. Đông đảo các bạn trẻ yêu thiên văn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch, lập nhóm để cùng quan sát nhật thực.
Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn trẻ Việt Nam: “Hiện tượng nhật thực một phần có thể quan sát được tại bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, độ che phủ của các khu vực có thể khác nhau. Thời điểm nhật thực bắt đầu, thời điểm che phủ cực đạt và thời điểm kết thức ở từng địa điểm cũng sẽ khác nhau”.
Anh Đặng Tuấn Duy - Chủ tịch CLB thiên văn nghiệp dư TP.HCM - cũng cho biết: “Khu vực quan sát được nhật thực lý tưởng nhất là các tỉnh thành phía Nam, càng đi lên phía Bắc độ che phủ sẽ giảm dần. Cụ thể như mũi Cà Mau có độ che phủ cực đại lớn nhất khoảng đạt gần 60%, TP.HCM là 52,2%, Đà Nẵng là 36,2%, Hà Nội chỉ là 22,3%”.
Dự đoán thời điểm xảy ra nhật thực tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM vào sáng 9.3 - Ảnh đồ họa do Chủ tịch Hội thiên văn trẻ Việt Nam cung cấp |
Những địa điểm được chọn để ngắm nhật thực lý tưởng nhất là nơi có góc nhìn thoáng về phía đông, không bị che khất tầm nhìn, trời không nhiều mây. Hội thiên văn học nghiệp dư Hà Nội chọn địa điểm quan sát tại khu vực 2 Con Rồng, Hồ Tây (Hà Nội), Hội thiên văn trẻ Việt Nam chọn ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), Câu lạc bộ (CLB) thiên văn học Đà Nẵng tổ chức ở công viên biển Đông (Đà Nẵng), CLB thiên văn học nghiệp dư TP.HCM tổ chức quan sát tại chân cầu Thủ Thiêm hướng quận 2 và làng đại học ở quận Thủ Đức.
Thậm chí, vì Việt Nam nằm ngoài dải quan sát nhật thực toàn phần lần này nên CLB thiên văn học nghiệp dư TP.HCM còn tổ chức đưa 10 thành viên lên đường sang Indonesia để quan sát tốt nhất hiện tượng nhật thực toàn phần.
Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Lúc này khi nhìn từ trái đất, dường như mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ mặt trời. Nhật thực toàn phần không nhận thấy được cho tới khi mặt trời bị mặt trăng che khuất trên 90%.
Theo anh Đặng Tuấn Duy: “Nếu mặt trời bị che khuất đến 99%, bầu trời giữa ban ngày trông như vào buổi bình minh hay vào buổi hoàng hôn, bạn có thể nghe tiếng gà gáy, các loài vật có thể có những phản ứng kỳ lạ với sự thay đổi bất ngờ này. Nhật thực toàn phần là một hiện tượng hiếm gặp. Theo ước tính nhiều khi chúng ta chưa chắc đã có cơ hội quan sát một lần trong đời (tại Việt Nam, đã diễn ra nhật thực toàn phần lần gần nhất ngày 24.10.1995)”.
Mặc dù nhật thực là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, hiếm có một rất điều đáng lưu ý là bạn cần chuẩn bị tốt để đảm bảo an toàn cho đôi mắt của mình khi quan sát nhật thực.
Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn: “Hãy lưu ý về nguyên tắc bạn có thể nhìn thẳng bằng mắt thường vào mặt trời trong khoảng 30 giây hay thậm chí lâu hơn nữa, nhưng như vậy không thực sự an toàn. Vì vậy, chỉ nhìn trực tiếp bằng mắt thường hay qua kính râm hoặc các vật liệu giảm ánh sáng khi bạn không có điều kiện sử dựng bất cứ loại thiết bị chuyên dụng nào khác để ngắm nhật thực, nhưng tuyệt đối không được nhìn như vậy quá 30 giây (riêng trẻ em đang tuổi phát triển thị lực hoặc người có thị lực yếu thì tuyệt đối không nhìn trực tiếp).
Để nhìn nhật thực một cách an toàn nhất bạn cần có kính quan sát mặt trời (solar glassses) hoặc nếu bạn muốn quan sát nhật thực qua kính thiên văn, ống nhòm, camera thì cần có kính lọc sáng (sun-filter) bọc qua vật kính”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.