Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giới thiệu văn hóa Trà Việt và đồng hồ cổ tại khu phố cổ Hà Nội

H.Đ| 22/11/2010 16:01

(HNMO) – Tin từ Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, để kỷ niệm 5 năm ngày Di sản Văn hoá VN (23/11/2005 - 23/11/2010), từ 9h ngày 23/11 đến 16h30 ngày 27/11/2010 tại 3 điểm: Trung tâm Thông tin phố cổ - 28 Hàng Buồm; Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây và Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Nét văn hóa trà Việt.

(HNMO) – Tin từ Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, để kỷ niệm 5 năm ngày Di sản Văn hoá VN (23/11/2005 - 23/11/2010), từ 9h ngày 23/11 đến 16h30 ngày 27/11/2010 tại 3 điểm: Trung tâm Thông tin phố cổ - 28 Hàng Buồm; Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây và Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc.

Đây là lần đầu tiên các hoạt động văn hoá này được diễn ra cùng lúc tại 3 địa điểm là những di sản văn hoá của Hà Nội. Tại 28 Hàng Buồm sẽ diễn ra hoạt động văn hoá Trà Việt; tại 87 Mã Mây sẽ tái hiện không gian sống, nét sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội xưa và tại 38 Hàng Đào sẽ trưng bày và giới thiệu về đồng hồ cổ.

"Văn hoá Trà Việt" là hoạt động văn hoá làm sống lại cái hồn của Phố cổ Hà Nội thông qua một sinh hoạt văn hoá mang đậm nét Hà Thành của ông cha ta xưa và sự giao hoà với phong cách hiện đại ngày nay. Hoạt động văn hóa này sẽ giúp khách tham quan cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật ẩm thuỷ của người Hà Nội, một thú vui tinh thần tao nhã của sĩ phu Bắc Hà. Đồng thời còn để du khách trong và ngoài nước hiểu hơn và thêm yêu Hà Nội thông qua phong tục tập quán cách sống, sinh hoạt giản dị nhưng sâu sắc, tinh tế của người dân Hà thành: "Trà dư tửu hậu", "Rượu ngâm nga, trà liền tay", "Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà"...

Bên cạnh đó, việc "Giới thiệu về nét sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội" là chủ đề xuyên suốt của hoạt động văn hoá diễn ra tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Tại đây, ngoài việc tái hiện lại không gian sống, nếp sinh hoạt và không gian văn hoá của người Hà Nội xưa, khách tham quan còn được trò chuyện, tiếp xúc với các nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội để hiểu rõ thêm về văn hoá sống, giao tiếp và cách ứng xử của người Hà Nội.

Còn tại Đình Đồng Lạc, 38 phố Hàng Đào sẽ trưng bày và giới thiệu đồng hồ cổ. Có thể nói, thú chơi sưu tầm đồng hồ cổ đã có từ rất lâu và trở thành một nét văn hoá của người Hà Nội. Rất nhiều nhà sưu tầm đồng hồ cổ đã hiểu được ý nghĩa của những chiếc đồng hồ và muốn gửi gắm tình cảm của mình vào những chiếc đồng hồ. Họ đã quen được sống trong tiếng tích tắc, ngân nga của những chiếc đồng hồ, thưởng thức tiếng chuông đồng hồ, đếm từng giọt thời gian trôi qua lăng lẽ và từ đó hiểu được ý nghĩa quý giá của thời gian. Với ý nghĩa đó, việc giới thiệu về thú chơi và sưu tầm đồng hồ cổ cũng là một cách giới thiệu về nét văn hoá đặc trưng của người Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giới thiệu văn hóa Trà Việt và đồng hồ cổ tại khu phố cổ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.