(HNMO) - Ngày 6-3, tại 62 Tràng Tiền, Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tiếp tục mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề Nhận diện hóa - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường.
Phòng trưng bày mở cửa từ ngày 6-3 đến 11-3, với trên 30 chủng loại hàng hóa cùng hơn 500 sản phẩm vi phạm, chủ yếu là dầu gội, sữa tắm, thuốc giảm cân, thuốc dành cho bà bầu cùng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác.
Đáng chú ý, tại phòng trưng bày, các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm được đặt cạnh nhau nhưng không có biển chỉ dẫn nhằm mục đích giúp người tiêu dùng, khách tham quan có thể nhận diện, phân biệt hàng thật, hàng vi phạm bằng cảm quan, sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm là do nhu cầu tiêu dùng lớn, nhất là phụ nữ có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp ngày càng cao. Đối với dược phẩm, người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, do vậy dễ mua phải thuốc giả.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
“Trong một năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan công an nhiều vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn”, ông Trần Hữu Linh thông tin.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, hóa mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do vậy, đây tiếp tục là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo: Các sản phẩm giả được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện và trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm là thuốc tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trên các nền tảng mạng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.