Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Giờ này các anh đang nằm nơi đâu?”

Hà Tuấn| 29/07/2012 07:26

(HNM) - Trong tháng 7 lịch sử này, tại căn nhà của Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công Rừng Sác, tôi may mắn khi gặp được những người lính đặc công năm xưa.


Tượng đài Chiến sĩ Đặc công Rừng Sác được xây dựng trong khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).


Những trận đánh "kinh thiên, động địa"

Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn - Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là "cổ họng" vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ - ngụy. Trung đoàn 10 (Đoàn 10) Bộ đội Đặc công Rừng Sác (thành lập ngày 15-4-1966) có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy.

Để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ - ngụy tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng "mưa bom bão đạn". Trong tâm trí của vị  tướng già Trần Thành Lập, trận đánh tàu Victoria tháng 8-1966 vẫn còn in đậm. Thời điểm này địch đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho "chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1966-1967)". Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc, các chiến sĩ đặc công phải ngâm mình dưới nước, có khi phải chôn người trong bùn để ngụy trang. Hơn một tháng như vậy, đơn vị đã nắm vững kế hoạch của địch và lên kế hoạch tác chiến. Sáng 23-8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã nổ vang rền khiến con tàu trọng tải trên 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông. Một kỷ niệm khác là trận chống càn ngày 24-6-1968, địch điều 2 tiểu đoàn và 12 tàu đi càn quét. Các chiến sĩ đã dụ cho địch vào sâu trong sông Lòng Tàu, tấn công diệt cả 12 tàu địch. Giờ mỗi lần nhớ lại, Thiếu tướng Trần Thành Lập vẫn không quên 2 câu thơ miêu tả trận đánh oai hùng đó: "Xác tàu giặc ngăn dòng sông chảy/Máu quân thù nhuộm đỏ nước sông".

Trong những trận đánh oai hùng của Đoàn 10 không thể không nhắc đến trận đánh kho xăng Nhà Bè. Với lời thề "Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về", chỉ có 8 chiến sĩ đã thiêu hủy kho xăng Nhà Bè, cháy suốt 12 ngày đêm khiến địch kinh hoàng. Hoặc trận đánh đêm 11-11-1972, 4 chiến sĩ đặc công mang theo 16 khối thuốc nổ vượt hàng rào kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy hơn 10.000 tấn bom đạn và 23 nhà kho chứa bom và đạn pháo 105 ly… Sau tổn thất trên, địch tăng cường phòng thủ nghiêm ngặt nhưng chỉ 1 tháng sau, 5 chiến sĩ đặc công lại đột nhập bằng đường sông, đem theo 24 khối thuốc nổ, đợi rạng sáng 13-12-1972 tiếp tục cho nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ lần thứ 2, phá hủy hơn 100.000 tấn đạn pháo và nhiều khí tài chiến tranh, làm rung chuyển Sài Gòn. Từ năm 1966 đến 30-4-1975, Bộ đội Đặc công Rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; đánh chìm và làm cháy 356 tàu thuyền trong đó có 13 tàu vận tải, 145 giang thuyền; bắn rơi 29 máy bay trực thăng…

Nhưng để có được những chiến công hiển hách đó, hàng trăm người con ưu tú của đất nước anh dũng hy sinh. Đại đội phó Đại đội 5 Hà Quang Vóc (quê Quảng Ninh) sau một lần đi công tác trở về gặp địch phục kích đã chiến đấu ngoan cường trước khi ngã xuống. Câu chuyện về 43 nữ chiến sĩ, y tá đã cõng thương binh chạy càn, khi bị địch bao vây, kêu gọi đầu hàng, các chị đã ngẩng cao đầu cất tiếng: "Quân giải phóng không biết đầu hàng giặc…" và đã anh dũng hy sinh, vẫn in đậm trong ký ức những người cựu chiến binh đặc công.

Vẫn không thôi day dứt


Hồi đó, Rừng Sác sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt, ngoài số ít ngư dân trong các ấp chiến lược mưu sinh bằng ghe xuồng theo dòng thủy triều lên xuống, hầu như không có sự sống của con người, chỉ có cá sấu, rắn độc.

Trung tá, Anh hùng LLVT Lương Văn Mướt (quê Hải Dương), không thể quên lần chạm trán với cá sấu. Năm 1969, ông nhận nhiệm vụ đưa đón một đoàn cán bộ. Trên đường về qua sông Ông Kèo, khi cách bờ khoảng 10m đột nhiên một con cá sấu hung dữ lao tới táp thẳng vào đùi ông. Ông gắng gượng rút dao găm đâm thẳng vào hốc mắt con vật làm nó hoảng hốt bỏ chạy. Ông thoát chết trong gang tấc nhưng hàm răng cá sấu đã xé nát bắp đùi.

Ông Mướt là một trong số ít người may mắn trong khi nhiều người khác bị cá sấu, rắn độc tấn công đã ra đi. Chiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa trong lúc qua sông đi làm nhiệm vụ đã gặp cá sấu, dù đã chống trả quyết liệt bằng dao găm nhưng vẫn không hạ được con cá sấu.

Ngoài "mưa bom bão đạn", cá sấu, rắn độc… người lính đặc công Rừng Sác còn phải đối mặt với muôn vàn gian khổ khác. Ðại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Hồng Thế (quê Thái Bình), nguyên Trung đoàn trưởng Ðoàn 10 kể rằng, địch bao vây tứ bề, để sống và chiến đấu lính đặc công đã dùng nước mặn nấu thành nước cất, như cách người ta nấu rượu để có nước ngọt mà uống. Một người mỗi ngày chỉ có 4 lon nước ngọt... Gần 10 năm sống cùng sông nước Rừng Sác, các chiến sĩ phần lớn đều ăn rau thay cơm, tiết kiệm từng viên đạn, nhường nhau từng viên thuốc… Gian khổ, nguy hiểm là thế nhưng những chiến sĩ Rừng Sác vẫn chung ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", còn người còn bám trụ, còn người còn chiến đấu" cho đến ngày chiến thắng.

Trở về sau chiến tranh với những vết thương chằng chịt cơ thể, dù đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng Thượng tá Trần Ngọc Soạn (quê Thanh Hóa) vẫn hăng hái nhận làm Trưởng ban Liên lạc truyền thống của Đoàn 10 để có cơ hội đi tìm đồng đội. "Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm rồi nhưng không lúc nào anh em cựu chiến binh Đoàn 10 không day dứt về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường xưa!" - ông Soạn tâm sự.

Thiếu tướng Trần Thành Lập nghẹn lời kể rằng, không kể các chiến sĩ hy sinh do bị nước cuốn hoặc bị thú dữ ăn thịt, thì ngay cả nấm mộ đắp bằng đất phèn của người lính đặc công Rừng Sác đôi khi cũng không còn, bởi thủy triều lên xuống, làm xói lở hết... Thế nên, trong số hơn 800 chiến sĩ Đoàn 10 đã hy sinh, đến nay vẫn còn 542 người chưa tìm thấy xác. "Không biết giờ này các anh đang nằm nơi đâu?". Năm 2005, TP Hồ Chí Minh đã mở rộng và xây mới Nghĩa trang liệt sĩ Cần Giờ, đồng thời xây được vỏ mộ cho 542 liệt sĩ chưa có hài cốt, ghi rõ tên từng người và các cựu chiến binh Đoàn 10 đã làm lễ rước vong. Và cho đến giờ này, Ban Liên lạc cựu chiến binh Ðoàn 10 vẫn luôn hy vọng và không ngừng tìm kiếm thi hài đồng đội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Giờ này các anh đang nằm nơi đâu?”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.