Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giờ - đơn vị đo thời gian

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 23/02/2014 06:50

Từ thời cổ đại, con người đã sử dụng đồng hồ mặt trời để đo thời gian. Đồng hồ mặt trời cổ xưa nhất được tìm thấy ở Ai Cập có từ cách đây 3.500 năm.

Những cột đồng hồ được làm bằng đá hoặc gỗ. Khi Mặt trời di chuyển, bóng của cột sẽ di chuyển qua các vạch trên mặt của đồng hồ, mỗi vạch ứng với một thời gian nhất định trong ngày. Nhược điểm của đồng hồ Mặt trời là không đo được thời gian vào ban đêm cũng như không đo được vào những lúc không có nắng.

Cách đây 2.300 năm, nhà thiên văn học người Babylon là Berosus đã chế tạo ra một loại đồng hồ Mặt trời chia nửa ngày làm 12 phần mà ngày nay mỗi phần được gọi là giờ. Mẫu thiết kế của loại đồng hồ này rất tiện dụng nên đã được sử dụng rộng rãi trong khoảng hơn 1.000 năm. Các nhà khoa học cho rằng đó là nguồn gốc của việc chia ngày làm 24 giờ như hiện nay.

Để đo thời gian vào ban đêm, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra đồng hồ nước, tính giờ dựa theo mực nước chảy vào bình chia vạch. Để đo những khoảng thời gian ngắn hơn, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra đồng hồ cát. Thời gian để cát chảy hết qua một lỗ nhỏ luôn không đổi. Hiện nay, vẫn có một số loại đồng hồ cát được sử dụng như loại 1 giờ, nửa giờ, 10 phút, 1 phút.

Thời phong kiến ở Việt Nam, tại cung vua hay phủ quan lại có đặt một hồ lớn bằng đồng chứa đầy nước. Bên trong hồ đặt một cái gáo có lỗ nhỏ để nước chảy vào. Cứ mỗi lần gáo đầy lại chìm xuống thì có tiếng chuông đổ. Đó là nguồn gốc của từ đồng hồ và đây chính là một loại đồng hồ nước. Người Việt cổ chia ngày làm 12 canh giờ, mỗi giờ bằng 120 phút bây giờ và gọi tên theo 12 con giáp. Từ 23h ngày hôm trước đến 1h ngày hôm sau là giờ Tý. Cứ lần lượt mỗi hai giờ tiếp

theo có tên giờ là Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Người Việt cổ cũng chia mỗi ngày thành 5 canh 6 khắc. Đêm gồm 5 canh (trống canh), ứng với các giờ Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần, tức là có 10 tiếng, từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau. Để dễ nhớ, các bạn thuộc câu: Nửa đêm giờ Tý canh ba. Còn lại, ban ngày gồm 14 tiếng, chia làm 6 khắc, mỗi khắc có 2 giờ 20 phút, bắt đầu từ 5h.

Ta biết ngày là thời gian để Trái đất quay hết một vòng quanh trục của nó. Do quỹ đạo chuyển động của Trái đất là hình e líp và vận tốc quay khác nhau nên thời gian mỗi ngày sẽ khác nhau. Từ đó, GMT - giờ trung bình ở kinh độ gốc đặt tại đài thiên văn Greenwich thuộc nước Anh - ra đời từ thế kỷ XIX. Dùng 24 đường kinh tuyến chia Trái đất làm 24 phần, mỗi phần ứng với một múi giờ (có một số ngoại lệ). Từ năm 1968, hệ đo lường quốc tế SI định nghĩa giây theo chu kỳ trung bình của nguyên tử Xêzi được đo từ hàng trăm đồng hồ trên toàn thế giới. Từ năm 1980, giờ phối hợp quốc tế UTC ra đời thay thế giờ GMT (hay UT). Cách viết của giờ UTC này là 0820 cho 8 giờ 20 phút. Có hai cách viết giờ theo quy ước quốc tế là: 8 a.m, 9 p.m (theo đồng hồ 12 giờ) hoặc 0800, 2100 (theo đồng hồ 24 giờ) và không được viết 08 a.m hay 20 p.m.

Kết quả kỳ trước: Đổi 1 đồng bằng 10.000 cắc.

Kỳ này: Mỗi ngày có bao nhiêu giây? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giờ - đơn vị đo thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.