Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền

Minh Quang| 25/06/2018 06:14

(HNM) - Với người đứng đầu môn phái Thiên Môn Đạo - Nguyễn Khắc Phấn - chuyện gìn giữ và phát triển võ cổ truyền luôn là niềm đam mê vô tận...


Sức sống mạnh mẽ

Tính ra, ông Nguyễn Khắc Phấn là người đứng đầu (môn phái gọi là Sư phụ trụ trì) đời thứ 5 của Thiên Môn Đạo - một trong những môn phái võ cổ truyền thuần Việt. Dòng họ Nguyễn Khắc nổi tiếng ở đất Dư Xá Thượng (Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) vì đã khai sinh ra môn phái võ cổ truyền này.

Như người trong làng và ông Nguyễn Khắc Phấn kể lại thì người tạo dựng môn phái là một võ tướng thời Tây Sơn - Nguyễn Khắc Cống. Những thế hệ sau của dòng họ Nguyễn Khắc cứ thế có trọng trách duy trì và phát triển môn phái.

Võ sinh môn phái Thiên Môn Đạo tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng.


Trước khi đảm nhận cương vị đứng đầu môn phái, ông Nguyễn Khắc Phấn đã từng lăn lộn khắp nơi, làm đủ nghề để sinh sống. Sau những tháng ngày tha hương ấy, ông trở về quê để cùng cha và các bậc cao tuổi trong làng tiếp tục phát triển môn phái. Vào khoảng năm 1993, Nguyễn Khắc Phấn mới tin rằng đang gìn giữ một kho tàng võ cổ truyền đồ sộ mà các thế hệ trước đã gây dựng.

Kho tàng ấy có hệ thống môn công với đầy đủ các bài tập quyền thuật, binh khí, nội công, ngoại công, y võ, khí công dưỡng sinh, khí công chữa bệnh... Đó là một kho tàng võ học, võ đạo không chỉ luyện cho cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, giúp người tập khám phá tiềm năng bản thân mà còn rèn tính kiên trì, chịu khó để làm người - tiêu chí cao nhất mà môn phái hướng đến.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, môn võ cổ truyền này đã có sức sống mạnh mẽ ở vùng đất Dư Xá Thượng, nơi nhiều đứa trẻ thông thạo đường quyền ngọn cước và vài món biểu diễn nội công. Chuyện của võ sư Ngô Chiến Thuật, hiện đang công tác ở Bệnh viện Châm cứu trung ương là ví dụ.

Cách đây 24 năm, mới 10 tuổi, như nhiều đứa trẻ trong vùng, Chiến Thuật gia nhập môn phái và hiện tại đã được phong làm võ sư cấp cao. Chuyện tập luyện ở môn phái cũng khe khắt, khắc nghiệt như ở các lò võ cổ mà người ta vẫn thấy trong phim. Để đến bây giờ Ngô Chiến Thuật đã trở thành bác sĩ có tiếng khi kết hợp được những kiến thức y học trong nhà trường với vốn liếng y võ của mình.

Đường đi để môn võ cổ truyền Thiên Môn Đạo đến với đông đảo người dân hơn bắt đầu từ việc tham gia biểu diễn ở các sự kiện tại nhiều địa phương, các vùng phụ cận. Những màn biểu diễn nội công, trong đó có thể dùng mọi bộ phận trên cơ thể để nâng vật nặng, đóng đinh vào người rồi dùng sức kéo ô tô, dùng lưỡi nâng cả xô nước, lấy bụng và cổ uốn cong thanh sắt... khiến môn phái được biết đến rộng rãi trong tỉnh Hà Tây (trước đây).

Học võ để học đạo

Rồi “tiếng lành đồn xa”. Có lần thầy trò môn phái được mời đến Triển lãm Giảng Võ để biểu diễn. Khi thầy trò của môn phái Thiên Môn Đạo biểu diễn màn khinh công - chạy trên chiếu đặt trên mặt nước cả trăm mét thì nhiều người thực sự ngạc nhiên. Sức lan tỏa càng lớn khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng màn biểu diễn này. Đến nỗi đã có cả một võ sinh người Nhật Bản xin về Dư Xá Thượng để theo tập.

Sau một thời gian, vị khách này đã chạy được khoảng 50 bước chân trên chiếu ở mặt nước và được ông Nguyễn Khắc Phấn cho “tốt nghiệp”. Ông Nguyễn Khắc Phấn cho biết, từ lâu lắm rồi, những thế hệ trước ông đã từng tập luyện nhưng là chạy trên áo mưa đặt trên mặt mương vào lúc 3h sáng.

Được biết đến nhiều hơn cũng là lúc môn phái gặp không ít lời thách đấu. Có người trực tiếp tìm đến lò võ ở Dư Xá Thượng để muốn tỷ thí, phân cao thấp. Có người chặn môn sinh của Thiên Môn Đạo giữa đường để xem trình độ đến đâu. Thậm chí, khi không được chấp nhận giao đấu, có nhóm còn tìm cách va xe với môn sinh Thiên Môn Đạo để có cớ tỷ thí.

Đến bây giờ, ông Nguyễn Khắc Phấn cũng không nhớ là có bao nhiêu kiểu thách đấu như vậy. Tất nhiên, môn phái không có nếp giao đấu võ để phân cao thấp như thường thấy trong những bộ phim. Khách đến xin tỷ thí được mời nước, nói chuyện và rồi chia tay nhau. Kẻ chặn ngoài đường cũng nhận được lời từ chối vì môn sinh thấm lời sư phụ dặn, làm gì cũng phải đúng pháp luật và truyền thống văn hóa dân tộc...

Ngày tôi về Dư Xá Thượng đúng dịp Viện Võ học Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng vinh danh cho dòng họ Nguyễn Khắc và môn phái Thiên Môn Đạo vì góp phần làm rạng danh nền võ học dân tộc Việt Nam.

Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam Phạm Đình Phong từng theo dõi sự phát triển của môn võ cổ truyền này nhiều năm kể rằng, ông đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biết về hệ thống môn công phong phú của môn phái. Thực tế, ở Việt Nam không nhiều môn phái võ thuần Việt có hệ thống lý luận, môn công như vậy. Cho nên, việc vinh danh cũng là đương nhiên.

Trưởng môn phái Thiên Môn Đạo Nguyễn Khắc Phấn nhẹ nhàng chia sẻ, vui vì được cộng đồng, xã hội ghi nhận, nhưng ông và các học trò sẽ phải làm nhiều hơn để môn phái ngày càng lan tỏa. Hôm ở Dư Xá Thượng, tôi đã gặp nhiều lứa học trò như vậy của môn phái. Dù bận công việc mưu sinh nhưng đến tối họ lại gác việc để đi dạy võ cho học trò, truyền niềm đam mê, tự hào về một môn võ cổ truyền cho các em và quan trọng để các em hướng đến những giá trị cao quý trong cuộc sống - trong đó, bài học đầu tiên phải là người tốt.

Hiện môn phái võ này cũng như một số môn phái võ thuần Việt khác đã được gây dựng ở cả ba miền, tạo nền tảng để có thể phát triển “sâu, rộng, bền” như người trong cuộc mong muốn. Ngay ở khu vực Ứng Hòa, môn võ này cũng đã được đưa vào một số trường học.

Ông Nguyễn Khắc Phấn cho biết, chỉ cần được tạo điều kiện để võ cổ truyền đến được với các trường học thì Thiên Môn Đạo và những môn phái võ cổ truyền khác hoàn toàn có thể hy vọng sẽ phát triển rộng hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.