Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ di sản cho đất Thăng Long

TS. Lưu Minh Trị| 19/11/2011 06:25

(HNM) - Hôm nay 19-11, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội (DSVH TL-HN) tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2011-2016. 10 năm, với hai nhiệm kỳ hoạt động chưa phải là dài, song hội đã làm được không ít việc đáng ghi nhận trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đặc biệt là di sản trên đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Không bằng lòng với kết quả đạt được, hội mạnh dạn tìm hướng đi mới trong những nhiệm kỳ tiếp theo để văn hóa Kinh kỳ ngày càng tỏa sáng.

Hội Gióng Phù Đổng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Đi tiên phong, hiệu quả lớn

Năm 2000, khi Hội DSVH Việt Nam còn chưa ra đời, Hội DSVH TL-HN đã đi vào hoạt động, gồm 60 hội viên. Tôn chỉ, mục đích của Hội là tập hợp những người yêu DSVH Kinh kỳ ngàn năm văn hiến để chung tay, góp sức cho văn hóa Kinh kỳ ngày càng tỏa sáng. Với ý nghĩa đó, ngày 1-3-2001, Hội chính thức được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập. BCH khóa đầu tiên của Hội chỉ có 21 thành viên, kinh phí lại hạn hẹp nên quá trình hoạt động gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, Hội cùng các chi hội trực thuộc đã hoạt động theo phương thức "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ", tức là kinh phí ít thì tu bổ, tôn tạo các di tích nhỏ; đồng thời chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa. Điển hình cho phương thức hoạt động này là Chi hội Đền Hội Mỹ. Bà Trịnh Thuận Hiền, Chi hội trưởng đã chủ động cùng tập thể xây dựng lại đền Hội Mỹ bị đổ nát ở số 9 Bùi Thị Xuân. Học tập tấm gương đó, các chi hội đã tham gia cung tiến tu bổ được hàng chục di tích. Ngày càng có nhiều di tích đứng trước nguy cơ trở thành phế tích được trùng tu, đồng nghĩa với việc Hội hoạt động ngày càng hiệu quả, bởi thế ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều thành viên trong BCH Hội đã được mời tham gia các đề án, dự án trong Chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn thế, Hội vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt thân mật tại nhà riêng.

Lễ hội làng Lệ Mật

Bước vào nhiệm kỳ thứ hai (2006-2011), Hội không ngừng lớn mạnh. Nếu như năm 2006, số hội viên tham gia sinh hoạt hội mới là 400 người ở 12 chi hội thì đến năm 2011, con số này tăng gấp 3 lần (1.200 hội viên) ở 32 chi hội, tổ câu lạc bộ di tích. Trên đà phát triển ấy, năm 2007, Hội thành lập CLB Những người quản lý di tích Hà Nội. Từ đó đến nay, BCH Hội và CLB Những người quản lý di tích Hà Nội đã tổ chức được 35 buổi sinh hoạt chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức quản lý, pháp luật và các quy định của Nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng - kháng chiến cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội chủ trì, tập hợp các nhà khoa học và quản lý văn hóa tổ chức biên soạn, xuất bản một số sách, tài liệu tuyên truyền về truyền thống và di sản văn hóa như "Di tích cách mạng - kháng chiến ở Hà Nội"; bộ sách 2 tập "Hà Nội - Danh thắng và di tích", bộ sách lớn 2 tập "Đến với truyền thống và di sản văn hóa Việt Nam". Cũng trong nhiệm kỳ thứ hai này, Hội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thành tốt Đề án Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đề án đã và đang được ứng dụng trong thực tế.

Ngoài ra, Hội khởi xướng, chủ trì và phối hợp với huyện Gia Lâm, xã Ninh Hiệp xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại làng Nành, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) - nơi còn dấu tích mộ hài cốt của Hoàng hậu và hai con. Kinh phí thực hiện dự án lên đến 14 tỷ đồng đều từ nguồn xã hội hóa… Cùng với hoạt động chuyên môn, các chi hội và tổ quản lý di tích cũng đã động viên các hội viên và nhân dân thập phương công đức được hơn 100 tỷ đồng tu bổ hàng trăm di tích lịch sử văn hóa... Với kết quả hoạt động sôi nổi và hiệu quả như trên, ngày 30-6-2011, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp mặt đại biểu Hội DSVH TL-HN nhân dịp Hội tròn 10 tuổi.

Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - một trong những công trình do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội khởi xướng, chủ trì xây dựng. Ảnh: Bảo Đức

Tiếp tục "sứ mệnh" bảo tồn di sản

Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, thành lập một số chi hội và tổ CLB di tích ở địa bàn quận, huyện, phát triển các tổ hội, chi hội trực thuộc lên con số 40 và kết nạp thêm hội viên mới là những mục tiêu chính của Hội DSVH TL-HN nhiệm kỳ III. Để đạt được mục tiêu này, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá DSVH, gắn liền với vận động hội viên đấu tranh và kiến nghị giải quyết những trường hợp xâm hại di tích, tham gia tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Tiếp tục tổ chức các chuyên đề sinh hoạt CLB Những người quản lý di tích, hướng vào những vấn đề cơ bản, thiết thực, như văn hóa xứ Đoài, các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội, lễ hội tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, làng nghề truyền thống, văn nghệ dân gian (Ca trù, Chầu văn, Hát xẩm...). Đặc biệt, Hội sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về di sản văn hóa như "Tổ chức lễ hội trang trọng, văn minh, tiết kiệm...", "Làm gì để tổ chức cho học sinh, thanh niên tham quan học tập các di tích cách mạng - kháng chiến", "Bảo tồn phát huy giá trị các làng cổ"... Hơn thế nữa, Hội sẽ biên soạn, xuất bản cuốn sách "Hà Nội truyền thống và di sản" (nhiều tập) và cuốn "Hà Nội - Di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và di sản văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trước mắt, Hội sẽ đề xuất với thành phố đảm nhận một đề án về DSVH trong chương trình xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch do Thành ủy đề ra.

Với những kế hoạch trên, có thể khẳng định Hội DSVH TL-HN đã, đang và sẽ thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị DSVH TL-HN nói riêng, cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ di sản cho đất Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.