Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gieo yêu thương từ cái đẹp

Vân An| 14/02/2021 05:56

(HNMCT) - "Cuộc sống đời thường muôn ngàn vẻ đẹp giản dị. Nhường nhau một bước chân, một chỗ ngồi. Sẻ chia một quyển vở, một manh áo. Gom một mẩu rác, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành. Một lời cảm ơn, một câu xin lỗi... Cuộc đời vẫn đẹp sao! Tình yêu vẫn đẹp sao! Tạo hóa ban cho chúng ta vẻ đẹp tự nhiên. Con người biết nâng niu gìn giữ và tạo nên cái đẹp...".

Thiết kế kiến trúc đậm chất sáng tạo của Trường Marie Curie.

Đó là những lời mà thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nói với học trò Trường Marie Curie trong ngày khai giảng năm học 2014-2015.

Ở ngôi trường này, năm nào cũng vậy, các em đón khai giảng bằng một bài phát biểu thật khác biệt của thầy Hiệu trưởng. Nhưng năm học 2014-2015 ấy, điều khác biệt nhất chính là hơn 3.000 học trò của trường đã chấm dứt cảnh "ở trọ" và có ngôi trường của riêng mình vô cùng khang trang, hiện đại, to đẹp tọa lạc trong khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (Hà Nội). Và đó cũng là lý do để thầy Hiệu trưởng chọn chủ đề cái đẹp để dẫn các học sinh vào năm học mới.

Những nét mặt ngạc nhiên, thích thú của lớp học trò cũ lẫn mới khi bước chân vào trường khiến người thầy già và đội ngũ thiết kế xây dựng thở phào, trái tim thêm muôn ngàn ấm áp vì sau 22 năm đã có thể mang đến cho các em một ngôi trường không chỉ đầy đủ tiện nghi mà còn vô cùng thẩm mỹ. Năm 2014, công trình này đã giành Giải thưởng Kiến trúc quốc gia.

Thủ đô vừa trải qua ngưỡng cửa 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước đó, tháng 12-2019, Hà Nội đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo. Trong hồ sơ ứng cử gửi UNESCO đã khẳng định, Thành phố sáng tạo sẽ là động lực để Hà Nội hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần làm phong phú hơn cuộc sống của người dân, cũng như giải quyết áp lực cơ sở hạ tầng và dân số, để thành phố nâng cao nhận thức toàn diện về vai trò của thiết kế, khuyến khích sự cống hiến cho thiết kế và đổi mới trong cộng đồng...

Chiểu theo mong ước đó, Trường Marie Curie có thể được xem là một lát cắt đẹp, đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô - Thành phố sáng tạo. Bởi ngôi trường này phá vỡ mọi hình dung về một trường học truyền thống. Không chỉ đáp ứng tốt công năng "phần cứng" về hệ thống lớp học phù hợp cho giảng dạy, học tập; chỗ làm việc cho thầy cô; chỗ ăn, nghỉ, vui chơi cho học sinh... mà hơn thế, Trường Marie Curie đã thiết kế được "phần mềm" chạm tới cảm xúc của mỗi người. Đó là lấy sự thân thiện, cái đẹp làm phương thức giao tiếp, gieo mầm yêu thương, sự tử tế trong thầy và trò. Đây cũng là yêu cầu duy nhất của thầy Hiệu trưởng khi giao đề bài thiết kế cho kiến trúc sư Lê Duy Khoa lúc ấy mới ngoài 30 tuổi.

Dẫn tôi đi một vòng quanh trường, kiến trúc sư Lê Duy Khoa chia sẻ: "Lần đầu gặp thầy Khang, tôi lập tức bị ấn tượng bởi sự thân thiện, gần gũi và phong cách sư phạm đầy sáng tạo của thầy. Điều đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để tôi đưa trọn vẹn tinh thần ấy vào thiết kế".

Trong cuốn tạp chí của trường phát hành vào tháng 2-2012, thời điểm chuẩn bị đặt những viên gạch xây trường đầu tiên, ghi lại rất nhiều "Phác họa Marie Curie trong tương lai" của các học trò:

"MC sẽ là ngôi trường mở, rộng lớn và thân thiện. Các lớp học được trang bị nhiều đồ dùng, thiết bị giảng dạy - học tập hiện đại, có nhiều sân chơi, câu lạc bộ hơn nữa..." (Phạm Đức Quang, 6P)

"Trường sẽ tràn ngập màu xanh của cây cối và có riêng một khu vườn với đủ hoa thơm, cỏ lạ bốn mùa" (Phạm Xuân Quang, 11G1)

"Trường sẽ ngày càng hiện đại, giống như các trường cấp 3 trong "High School Musical" với khuôn viên thật to và đẹp: Thư viện, bể bơi, thang máy, sân bóng rổ, sân bóng đá trong nhà... Marie Curie sẽ đánh bật hàng loạt trường khác để trở thành ngôi trường "đình đám" nhất, "đỉnh của đỉnh" (Hoàng Minh Anh, 9E2)...

Thật tuyệt vời khi những hình dung đó đều thành hiện thực! Hai yếu tố công năng và thẩm mỹ được hòa quyện tinh tế trong từng chi tiết xây dựng, giúp Trường Marie Curie mở cửa trái tim của bất cứ ai đặt chân đến đây.

Nhẹ bước qua hai cánh cổng trường to rộng, xanh ngát bóng cây mang tên Trường Sa và Hoàng Sa là cả không gian sinh động, tươi mới.

Trên diện tích mặt bằng 9.000m2, khối Giảng đường gồm 8 tầng kết nối liên hoàn với khu Hiệu bộ cao 12 tầng bằng ngôn ngữ kiến trúc mạch lạc, đơn giản, hiện đại, tạo sự gần gũi. Tổng thể mặt bằng được bố trí giống như sân vận động; trong đó, các khối nhà tạo thành vòng cung ôm lấy sân trường chính; khối lớp học có hành lang hướng vào khoảng sân này để khi có các sự kiện lớn hay hoạt động ngoại khóa như: Thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ... thì hành lang của các tầng sẽ trở thành khán đài để học trò thuận tiện dõi theo.

Các phòng học tiêu chuẩn, được trang bị đầy đủ tiện nghi luôn tràn đầy ánh sáng tự nhiên nhờ các ô cửa sát mặt sàn để đón ánh sáng tối đa. Hệ thống cửa sổ phía hành lang được thiết kế cao hơn tầm nhìn của học sinh trong lớp, vừa hạn chế các em mất tập trung, vừa đảm bảo lấy ánh sáng tốt.

Nơi ăn, ngủ của học trò cũng được nhà trường chăm chút. Nhà ăn thoáng mát, rộng rãi, được trang trí các hình vẽ ngộ nghĩnh trên tường; hệ thống giường xếp, giường tầng thông minh được bố trí phía cuối mỗi phòng học, giúp các em nghỉ ngơi thoải mái mà lại tiết kiệm diện tích.

Để tối đa hóa không gian vui chơi và không gian xanh, ngoài sân chính, trường còn có nhiều không gian khác như: Vườn trúc, sảnh piano, đồi cỏ, sân sau, chòi Đông - chòi Tây, vườn cây tầng thượng... để học trò ở từng lứa tuổi có thể tìm được góc riêng phù hợp với mình.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là hệ thống nhà vệ sinh của trường. 40 nhà vệ sinh cho khoảng 90 phòng, với hơn 20 nhân viên vệ sinh làm việc liên tục trong giờ hành chính. Nơi vốn là nỗi ám ảnh của hầu hết học sinh ở những trường khác thì ở Trường Marie Curie, tất cả có thể gói gọn trong 4 từ: Sáng - sạch - đẹp - thơm.

Sự chăm chút của nhà trường đối với học sinh chưa dừng lại tại đó. Những tiện ích như: Thiết bị nhà vệ sinh phù hợp với chiều cao của nhiều lứa tuổi; bàn học linh hoạt về kích thước, đáp ứng sự phát triển thể chất của từng em; hệ thống mái che mưa, nắng di động từ cổng trường vào khu giảng đường... được bổ sung hài hòa trong tổng thể, giúp học trò có cảm giác được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn; biến nơi đây giống như nhà của các em...

"Trẻ em nếu được sống trong một môi trường đẹp, một không gian mang tính mỹ thuật cao thì tâm hồn sẽ phát triển hơn là thông qua những bài giảng nặng tính lý thuyết. Những đứa trẻ khi đối diện với chính mình thì chỉ có cái đẹp mới chinh phục và làm cho chúng không muốn phá vỡ cái đẹp. Cái đẹp vì vậy có ý nghĩa giáo dục rất lớn", thầy Khang tâm sự khi khép lại cuộc trò chuyện với tôi.

Có lẽ vì thế mà dù chẳng có một tấm biển nào trong trường nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh chung..., Trường Marie Curie vẫn sạch đẹp, gọn gàng; học sinh nào cũng vui vẻ, văn minh.

Trên sân trường, đám học trò đang mải mê chơi đùa sau giờ học. Tiết trời chiều cuối năm ẩm, lạnh nhưng nơi đây ngập tràn ấm áp, bình yên. Sự ấm áp ấy không chỉ đến từ những ánh đèn lung linh hắt ra từ các ô cửa lớp, mà tỏa ra từ những tràng cười giòn tan của lũ trẻ, những câu chuyện không đầu, không cuối về dự định của chúng cho lễ hội gói bánh chưng sắp tới tại trường...

Dường như Tết đã ở ngay đây...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gieo yêu thương từ cái đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.