(HNM) - Do đặc thù công việc, chúng tôi được gặp và chứng kiến rất nhiều người tốt, việc tốt. Với những người làm công tác bảo trợ xã hội, ấn tượng về họ không hẳn là thành tích nổi bật dễ nhận thấy, mà là cách chuyển hóa tình yêu thương vào công việc, trao cho đối tượng yếu thế hoặc những người lầm lỡ cơ hội sống, niềm tin vào tương lai. Những cống hiến của họ - những con người bình dị - tuy thầm lặng nhưng cao cả, thiêng liêng.
Một lớp dạy học tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. |
Những việc làm giản dị
Nghe tin anh Vũ Bá Toàn, lái xe cứu thương của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) sắp nghỉ hưu, chúng tôi bùi ngùi như khi chính mình phải tạm biệt một đồng nghiệp đáng kính. Hẹn gặp anh vào một ngày đầu tháng 8-2018, anh chia sẻ: “Trò chuyện tình cảm để hiểu về nhau hơn thôi em nhé, anh có thành tích gì nổi bật đâu. Anh chỉ làm những việc thấy cần làm, nên làm”.
Trong cuộc gặp đó, anh luôn lấy những câu chuyện về trẻ em có HIV, về những người lầm lỡ làm chủ đề chính. Họ là đối tượng được anh phục vụ suốt nhiều năm qua. Trong muôn vàn chuyến xe chở người bệnh đi cấp cứu, anh nhớ rõ lần đưa học viên Trần Phương A. - người cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 - tới Bệnh viện Bạch Mai vào năm 2006. Vừa đến bệnh viện thì A. chạy trốn. Chứng kiến cảnh này, dù biết A. có HIV, anh Vũ Bá Toàn vẫn chạy theo giữ lại, khuyên nhủ A. chữa bệnh, tích cực cai nghiện, làm lại cuộc đời. Thay vì làm theo, A. dùng một vật sắc nhọn cứa vào tay anh, khiến anh phải điều trị phơi nhiễm HIV một thời gian dài sau đó.
Lần khác, vào năm 2011, tại xã Yên Bài xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn nhân là Nguyễn Xuân T., người địa phương. Thấy nạn nhân trong tình trạng nguy cấp, anh Toàn bế thốc T. lên xe, đưa tới Bệnh viện Sơn Tây cấp cứu và trở về trong tình trạng người dính đầy máu nạn nhân. Vài ngày sau, anh Toàn nhận được tin T. không qua khỏi và là đối tượng có HIV. Một lần nữa, anh Toàn phải sống trong nỗi lo bị phơi nhiễm HIV...
Những lần phải điều trị phơi nhiễm HIV không làm cho Vũ Bá Toàn nản lòng mà buông tay lái, bởi anh tin: “Cứ sống thật tốt, làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm, ắt sẽ có kết quả tốt”. Quả đúng như vậy, kết quả mà anh nhận được sau hơn 40 năm công tác là niềm tin yêu, sự kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp, sự biết ơn của những mảnh đời kém may mắn, những người từng lầm lỡ.
Trường hợp khác chúng tôi biết là anh Trần Đức Hoàng, Đội trưởng Đội 3, Phòng Giáo dục - Hòa nhập, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây). Làm công việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục hòa nhập cho học viên trong quá trình điều trị cai nghiện ma túy, anh Trần Đức Hoàng luôn trăn trở làm thế nào để những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất. Giúp học viên cải thiện đời sống tinh thần, anh Hoàng dùng mối quan hệ của mình để xin về thiết bị luyện tập thể thao đã cũ, hỏng, sửa chữa lại để phục vụ học viên. Nhiều lần anh tự đi xin hoặc mua hoa, cây xanh về trồng trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 nhằm tạo cảnh quan, không gian xanh mát. Anh cũng thường xuyên hướng dẫn học viên cách sống và ứng xử văn hóa.
“Con đường hòa nhập không dễ dàng. Họ cần có sự hỗ trợ tâm lý để vững vàng vượt qua. Vì vậy, làm được gì giúp họ hòa nhập, tôi sẽ cố gắng”, anh Trần Đức Hoàng chia sẻ.
Mang đến niềm tin cho người yếu thế
Làm việc với tinh thần “Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ xã hội là người thân”, chị Chu Thị Chỉnh, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì) là người mẹ hiền của nhiều trẻ khuyết tật.
Câu chuyện giữa chúng tôi với chị trong căn phòng rợp bóng cây xanh, thoang thoảng hương ngọc lan liên tục bị ngắt quãng do 25 đứa con ở Khu nhà trẻ 2 cần tới sự chăm sóc của chị. Những con lớn, khuyết tật nhẹ nhờ mẹ Chỉnh hướng dẫn tập viết, làm toán để chuẩn bị cho năm học mới. Những trẻ nhỏ tuổi hơn đòi mẹ vỗ về, yêu thương. Tuấn Anh, người bị bệnh xương thủy tinh được chị dành cho sự quan tâm đặc biệt. Bế Tuấn Anh vào lòng, chị Chu Thị Chỉnh vừa dạy con gọi “mẹ”, gọi “cô”, vừa cho biết trung tâm nuôi dưỡng 170 trẻ khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau. Bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho các con, chị Chỉnh cùng đồng nghiệp chăm lo cho các con từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc luyện tập, điều trị bệnh, giao tiếp, học hành.
“Nếu được chăm sóc, điều trị tốt, nhiều trẻ khuyết tật hoàn toàn có khả năng tận hưởng một cuộc sống tự lập. Trong quá trình nuôi dạy, chúng tôi cố gắng phát hiện ra thế mạnh của từng con và giúp chúng phát huy tốt nhất khả năng của mình. Từ trung tâm này, một số con đã khôn lớn, trưởng thành. Chúng tôi vui lắm!”, chị Chỉnh xúc động nói.
Chuẩn bị hành trang cho trẻ khuyết tật bước vào năm học mới 2018-2019, những ngày này, chị Nguyễn Thị Quyên, giáo viên của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) giúp các con ôn lại kiến thức, chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ học tập. Điều đáng quý là dù các con bị nhiều dạng tật khác nhau, song chị Quyên luôn tìm ra giải pháp giúp tất cả tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Nhận thấy sự trưởng thành vượt bậc của con em, nhiều phụ huynh dành cho chị sự kính trọng, biết ơn. Với đồng nghiệp, chị là tấm gương sáng, không phải do bảng thành tích đáng trân trọng mà là sự tâm huyết và tình yêu thương đối với trẻ khuyết tật.
“Chứng kiến chị Nguyễn Thị Quyên làm việc, chúng tôi đã hiểu vì sao có những người từ bỏ cơ hội làm việc nhẹ nhàng để gắn bó với những công việc đầy gian nan, vất vả”, chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội cho hay.
Còn nhiều người tốt, việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý đang công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội. Sự cống hiến thầm lặng của họ đã mang đến cơ hội sống, niềm tin vào tương lai cho nhiều đối tượng yếu thế, cảm hóa và giúp những người bước chân vào con đường lầm lỡ quyết tâm làm lại cuộc đời, hòa nhập xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.