Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gieo niềm tin cho trẻ có HIV

Thống Nhất| 05/09/2018 06:00

(HNM) - Người dân xã Yên Bài (huyện Ba Vì), từ con trẻ đến người già ai cũng biết về cô giáo Đinh Thị Thủy ở Trường Tiểu học Yên Bài B. Thầy Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào về cô giáo Thủy. Vượt qua khó khăn và cả sự kỳ thị, 11 năm qua cô Thủy đã đem lại niềm tin vào cuộc sống cho các em - những đứa trẻ mồ côi có HIV. Cô là tấm gương về ý chí phấn đấu, tình yêu thương dành cho học sinh”.

Một giờ lên lớp của cô giáo Đinh Thị Thủy.



Từ lời hứa với những đứa trẻ đặc biệt...

Chúng tôi đến lớp học đặc biệt của những đứa trẻ có HIV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) - nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Cô giáo Đinh Thị Thủy đang tất bật cùng trẻ chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở, trang trí lớp học để chuẩn bị đón năm học mới 2018-2019.

Đó là lớp ghép gồm 8 học sinh, chia làm hai dãy, một bên dành cho bốn em lớp 1, bên còn lại dành cho các em học lớp 2. Cô Thủy bảo, học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, rất đáng thương. Trong số bốn học sinh lớp 1 có một em người dân tộc Thái sinh năm 2009, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, bảng chữ cái lúc nhớ lúc quên; một học sinh sinh năm 2010 được đưa từ Nam Định về, chưa từng học qua mẫu giáo. Hai em còn lại được Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội nuôi từ bé nhưng sức khỏe và tâm lý không ổn định, khi thì gào thét lúc lại quậy phá...

Khi được hỏi về lớp học đặc biệt này, cô giáo Đinh Thị Thủy xúc động nhớ lại: "Dịp Tết Thiếu nhi năm 2006, tôi được ban giám hiệu giao nhiệm vụ huy động 20 học sinh vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội để biểu diễn văn nghệ và giao lưu với trẻ em ở đó. Có lẽ vì biết trẻ em ở cơ sở này đều có HIV nên chuyến đi không được cha mẹ học sinh ủng hộ. Tôi phải vận động trẻ con hàng xóm, đưa cả con mình theo mới đủ 20 bạn. Nhưng khi vào đến nơi, chứng kiến cảnh các em ùa ra, bám tay hỏi cô ơi khi nào con được đi học, có phải chúng con sắp được đến trường phải không cô... thì nước mắt tôi trào ra. Ôm các em vào lòng, tôi động viên, an ủi: "Ừ, các con sẽ được đi học". Nghe vậy, mắt lũ trẻ sáng lên, chúng quấn lấy tôi vui đùa hớn hở. Tuy nhiên, chính bản thân tôi lúc bấy giờ cũng chưa biết mình sẽ thực hiện lời hứa ấy như thế nào".

Vào một ngày cuối tháng 8-2006, cô Thủy nhận được đề nghị của hiệu trưởng nhà trường về việc đảm nhận lớp học của những trẻ em có HIV của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. "Tôi vui vì lời hứa của mình với lũ trẻ có cơ hội trở thành hiện thực, nhưng cũng lo lắng vì không biết mình có thể đảm nhận nhiệm vụ này hay không. Hơn nữa, việc này vấp phải sự phản đối của nhiều người trong gia đình. Tuy nhiên, nhớ đến sự mong đợi, háo hức của các em, tôi động viên mọi người yên tâm và quyết tâm thực hiện nguyện ước của mình" - cô Thủy nói.

Hành trình ươm tạo ước mơ

Buổi học đầu tiên của cô giáo Đinh Thị Thủy với những đứa trẻ có HIV tại Trường Tiểu học Yên Bài B diễn ra sôi nổi, hào hứng. Tuy nhiên, sự tồn tại của lớp học này tại trường khiến cha mẹ học sinh lo lắng, phản đối quyết liệt. Thế nên vài ngày sau, cô và số học trò đặc biệt đành chuyển tới Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. Dù có chút chạnh lòng song cô Thủy vẫn tự động viên mình vượt qua với suy nghĩ các con học tại nơi mới sẽ tốt hơn nhờ ở đó sẵn các điều kiện về y tế để chăm sóc, hỗ trợ trẻ khi “trái gió trở trời”.

Được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm, khu nhà học của trẻ có HIV được xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, bảo đảm để học sinh được học hết cấp tiểu học ngay tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. "Mỗi buổi học trôi qua tôi càng thêm hiểu về việc mình làm. Không có một giáo án, một bài dạy mẫu nào có thể áp dụng ở đây. Trong giờ học đột nhiên có học sinh bị sốt cao, bị chảy máu cam, rồi gãy răng, nôn... Chỉ có trách nhiệm và tình thương yêu các con mới khiến tôi quên đi sự sợ hãi. Dần dần, tôi được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc các em", cô giáo Thủy chia sẻ.

Thấm thoắt đã hơn 11 năm trôi qua. Nhiều lứa học trò nay đã trưởng thành, có em đi làm xa, có em đang học tại trường THCS hoặc THPT trên địa bàn. Là cô giáo, dạy học sinh tiểu học đã là vất vả, nhưng hành trình ươm tạo ước mơ cho trẻ em ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội còn gian nan hơn nhiều bởi chúng không chỉ mắc bệnh hiểm nghèo mà còn bị gia đình bỏ rơi. Để bù đắp cho học trò, cô Thủy luôn coi các em như con đẻ. Sau mỗi giờ học, đám học trò lại quấn quýt, luôn miệng nhắc "mẹ Thủy ngày mai nhớ đến với chúng con". Chúng sà vào lòng, đứa bám tay đứa ôm lấy người cô, hít hà như không muốn rời xa.

Hơn 30 tuổi nghề, 11 năm liên tục gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt nhưng cô giáo Thủy không bao giờ quên những giờ học về chủ đề người thân trong gia đình. "Khi ấy, không khí lớp học đang sôi nổi bỗng chùng xuống. Một học sinh lớn nhất lớp mạnh dạn, "cô ơi con không có gia đình", em khác tiếp lời, "cô ơi con bị bỏ rơi". Tôi chỉ biết giấu những giọt nước mắt bằng cách xoay người lại xóa bảng. Tôi động viên, an ủi các con rằng ai cũng có gia đình, nhưng không may bệnh tật đã cướp đi người thân của các con. Bây giờ các con có bố, có mẹ, có ông, bà chính là các bác, các chú, các cô... đang chăm sóc các con ở đây. Nghe tôi nói thế, các con lại thi nhau giơ tay, đứa kể mình có 3 mẹ, 2 bà; đứa lại khoe nhà có 6 chị em" - cô Thủy xúc động nhớ lại.

Đến bây giờ, công việc của cô giáo Thủy đã nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận của người thân. Người con trai lớn của cô Thủy sau khi tốt nghiệp ngành Y đã trở về làm cán bộ y tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, cùng mẹ chăm sóc các em. Mỗi dịp Tết mẹ Thủy lại đón các con về nhà mình chơi để các em được cảm nhận không khí gia đình, tình yêu thương của những người thân.

Thầy Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B nhớ lại: "Vài năm trước, khi xuống nhà cô Thủy chúc Tết, thấy cảnh cả gia đình cô và các cháu học sinh có HIV cùng ăn cơm, thấy bọn trẻ tíu tít bên chồng cô Thủy, đứa gọi chú, đứa gọi bố, tôi thực sự xúc động. Tình yêu thương đã giúp cô Thủy vượt qua mọi khó khăn, sự kỳ thị, vượt qua sự sợ hãi trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình để đem nụ cười đến cho những đứa trẻ thiệt thòi. Đó thực sự là một hành trình dài đầy gian nan mà không phải ai cũng có thể vượt qua".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo niềm tin cho trẻ có HIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.