Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giây phút lịch sử xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập

Hưng Thịnh| 29/04/2015 18:34

(HNMO) – Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 (Binh chủng tăng thiết giáp) đã húc đổ cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập...


Thời điểm ấy, trên chiếc xe tăng 390 có 4 cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn (sinh năm 1947) – Chính trị viên đại đội, trưởng xe tăng 390; Thiếu úy Lê Văn Phượng (sinh năm 1945) - đại đội phó phụ trách kỹ thuật, kiêm pháo thủ số 2; Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (sinh năm 1951) – pháo thủ số 1; Trung sỹ Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1950) – lái xe.

Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập - đánh dấu giờ phút sụp đổ của chế độ Ngụy quyền (ảnh do một nữ nhà báo người Pháp chụp vào thời điểm đó)


Vào một ngày cuối tháng 4 này, trước khi cùng 3 đồng đội của mình vào thành phố Hồ Chí Minh để tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Văn Phượng đã dành chút thời gian kể cho phóng viên Báo Hànộimới về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, cam go, ác liệt nhưng đầy hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và giây phút lịch sử chiếc xe tăng 390 húc tung cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập…

Sau khi ký kết Hiệp định Pari, năm 1974, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 203) rút về A Sầu – A lưới để huấn luyện, củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Đến tháng 3/1975, cả đơn vị của ông Lê Văn Phượng bắt đầu bước vào những trận chiến đấu: Hai ngày 17/3 và 18/3/1975, chiến đấu tiêu diệt địch ở núi Bông, núi Nghệ (phía tây nam Huế); ngày 25/3/1975, đơn vị hành quân tham gia chiến đấu giải phóng thành phố Đà Nẵng. Sau đó đơn vị củng cố, bổ sung đạn dược, vũ khí và quân số. Thời điểm này, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 được chuyển về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203.

Đầu tháng 4/1975, đơn vị của ông Phượng nhận được lệnh hành quân thần tốc tiếp tục chiến đấu giải phóng các địa phương: Phan Rang, Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa… Thời gian này, đơn vị của ông vừa đi, vừa đánh.

4 cán bộ, chiến sỹ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập 30/4/1975


Đến ngày 29/4/1975, Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203) xe tăng cùng với bộ binh (Trung đoàn 2, Quân đoàn 2) tham gia chiến đấu tiêu diệt địch ở căn cứ Nước Trong - Long Thành (Đồng Nai). Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, nhiều đồng đội đã hy sinh, xe tăng của ta cũng bị tổn thất... Đến 12 giờ ngày 29/4/1975, trận chiến kết thúc, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, quân ta làm chủ trận địa. Lúc này, đơn vị của ông Phượng dừng lại ở ngã ba Thái Lan, phía sau rừng cao su để giải quyết vấn đề về thương binh, liệt sỹ…

Trong trận chiến đấu này, ông Phượng vừa là đại đội phó phụ trách kỹ thuật Đại đội 4, kiêm pháo thủ số 2 xe tăng 390 nhưng bị thương. Do đó, chiến sỹ Đỗ Cao Trường đã lên thay vị trí pháo thủ số 2 của của ông Phượng nhưng cũng bị thương và đơn vị quyết định cho chiến sỹ Đỗ Cao Trường được ở lại tuyến sau để điều trị vết thương. Vậy là xe tăng 390 chỉ có 4 người, nên ông Phượng dù bị thương vẫn trở lại đảm nhận vị trí pháo thủ số 2.

Sau trận chiến đấu tại căn cứ Nước Trong – Long Thành, Đại đội 4 xe tăng có thời gian để bổ sung xăng, dầu, đạn dược chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Lúc này, đơn vị của ông Phượng nhận được lệnh của Tư lệnh Quân đoàn 2: “Xe tăng cắt bộ binh, dùng sức cơ động cao làm mũi thọc sâu, nhanh chóng tấn công vào Sài Gòn”.

Khoảng 7 giờ sáng 30/4/1975, Đại đội 4 xe tăng đã chiếm lĩnh được đầu cầu Sài Gòn. Lúc này, Đại đội 2 và Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 1 bị thương vong rất nhiều, xe tăng của ta bị bắn cháy; đồng chí Ngô Quang Nhỡ - Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của chúng tôi đã hy sinh ngay tại đầu cầu Sài Gòn.

Sau khi đến đầu cầu Sài Gòn (phía đầu cầu bên kia là nội thành Sài Gòn), Đại đội 4 triển khai sang 2 bên đường, tăng cường quan sát bên kia cầu Sài Gòn. Tuy nhiên, do cầu Sài Gòn vừa dài, vừa cong nên không thể phát hiện được mục tiêu của quân địch bên kia. Trong lúc đó, bỗng có một xe tăng M48 của địch chạy từ đầu cầu bên kia sang phía đầu cầu quân ta đang chiếm đóng. Khi cách quân ta mấy trăm mét, xe tăng 390 đã lập tức nổ pháo bắn cháy xe tăng địch. Lúc này, 2 chiếc máy bay A37 của địch bay lượn trên cầu Sài Gòn, lập tức pháo cao xạ và pháo 12,7 ly của xe tăng ta đã đồng loạt bắn hất lên nhằm ngăn chặn ý định thả bom phá cầu của chúng. Bởi vậy, chúng vội vàng trút 2 quả bom nhưng không trúng cầu.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận xe tăng 390 là "bảo vật quốc gia" và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng lực lượng tăng thiết giáp


Trước tình hình đó, ông Lê Văn Phượng đã nói với ông Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên Đại đội 4, trưởng xe tăng 390, rằng: “Nhiều khả năng địch muốn ném bom cắt cầu, anh nên bàn bạc với anh Thận (Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng Đại đội 4) cho đơn vị nhanh chóng vượt cầu kẻo mất thời cơ!” Ông Vũ Đăng Toàn đã điện thoại cho ông Bùi Quang Thận trao đổi tình hình; ông Thận điện thoại xin chỉ đạo của trên nhưng không liên lạc được. “Vậy là cả ba chúng tôi cùng hội ý nhanh và đi đến quyết định táo báo là cho đơn vị nhanh chóng vượt cầu Sài Gòn cho dù không biết bên kia đầu cầu quân địch bố trí lực lượng như thế nào” – ông Lê Văn Phượng cho biết.

Khoảng hơn 8 giờ ngày 30/4/1975, Đại đội 4 xe tăng của ta nổ máy tiến sang bên kia cầu Sài Gòn với phương án vừa chi viện cho nhau vừa vượt cầu để đánh vào Sài Gòn. Sang đến đầu cầu bên kia, gặp phải sự chống trả quyết liệt của xe tăng địch, nhưng xe tăng của đơn vị ông Phượng đã kịp thời tiêu diệt ngay.

Khi vào đến thành phố để bảo đảm tính “thần tốc”, 7 xe tăng của Đại đội 4 được chia thành các hướng khác nhau tiến vào nội thành Sài Gòn. Xe tăng 390 đến ngã tư Hàng Xanh thì bất ngờ gặp 2 xe tăng M113 của địch lao ra; xe tăng 390 bắn ngay một quả đạn xuyên tiêu diệt luôn tại chỗ 2 xe của địch, không để cho chúng kịp trở tay.

“Khi đến gần dinh Độc Lập, xe chúng tôi phát hiện ra xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận đang tiến về hướng cổng chính dinh Độc Lập nhưng không hiểu sao sau đó lại rẽ sang cổng phụ bên trái và dừng lại. Vậy là xe tăng 390 vượt lên hướng thẳng vào cổng chính và húc đổ cổng dinh Độc Lập, rồi tiếp tục tiến thẳng vào cửa dinh Độc Lập và dừng lại”- ông Lê Văn Phượng nhớ lại.

Ông Lê Văn Phượng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại quê nhà (thị xã Sơn Tây, Hà Nội)


Ông Lê Văn Phượng cho biết: “Lúc này, anh Vũ Đăng Toàn liền cầm cờ giải phóng trên nóc xe tăng 390 định xuống xe và chạy lên cắm cờ, tôi đã ngăn lại và trao đổi nhanh với anh Toàn rằng, anh Thận đang cầm cờ và chạy bộ ở phía sau. Theo tôi, anh em mình nên ở lại xe dùng pháo 12,7 ly yểm trợ cho anh ấy lên cắm cờ. Khi anh Thận chạy đến gần xe tăng 390, anh Toàn nhảy xuống xe và cầm theo khẩu AK hỗ trợ anh Thận chạy lên Dinh Độc Lập. Vào trong Dinh Độc Lập, anh Thận chạy lên cắm cờ, còn anh Toàn bước thẳng vào phòng họp khống chế toàn bộ nội các Dương Văn Minh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khoảng 10 phút sau, đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 có mặt kịp thời và bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh ra đài phát thành đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.

Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, non sông đã được thu về một mối. Sau khi xe 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, các xe còn lại của Đại đội 4 cũng đã tiến vào bên trong Dinh Độc Lập. Tiếp đến, các xe tăng của Binh chủng tăng thiết giáp theo 5 cánh quân cũng tràn về Sài Gòn. Thời khắc đó, các đường phố trong nội thành Sài Gòn tràn ngập cờ, hoa, tưng bừng ngày hội lớn đón chào quân Giải phóng.

Ông Phượng hồi tưởng: “Không sao tả được tâm trạng của chúng tôi trong thời khắc chiếc xe tăng 390 húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập. Sau khi húc đổ, xe tăng của chúng tôi chèn lên và đi qua cánh cổng, tiếng cánh cổng bị xích xe tăng nghiến kêu răng rắc. Chúng tôi chợt nghĩ, chỉ có sức mạnh của quân giải phóng, sức mạnh của chính nghĩa mới làm được điều đó!”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giây phút lịch sử xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.