(HNM) - Tại hội nghị nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) vừa được Bộ GTVT tổ chức, đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết:
Sát hạch lái xe tại Trung tâm Sát hạch do Sở GTVT Hà Nội quản lý.Ảnh: Tuấn Khải
Tình trạng sử dụng GPLX giả có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện và xử lý hàng loạt vụ sản xuất, tiêu thụ và sử dụng GPLX giả. Trong khi đó, hiểu biết và nhận thức pháp luật giao thông của một bộ phận người lái xe còn kém, chưa nắm vững các quy định về sử dụng GPLX; sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc GPLX bị tẩy xóa, hết hạn sử dụng. Không ít người coi GPLX chỉ để đối phó với lực lượng chức năng. Tình trạng thi hộ cũng khá phổ biến. Có địa phương, cơ quan công an phát hiện một cá nhân thi hộ cho hơn 30 người. Việc cấp đổi, cấp lại GPLX còn bị buông lỏng và thiếu các dữ liệu để quản lý thống nhất trên toàn quốc nên đã xuất hiện tình trạng người lái xe khi vi phạm ở địa phương khác, bị tạm giữ GPLX, trở về địa phương mình báo mất và được cấp lại...
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, GPLX giả đang là thực trạng nhức nhối tại nhiều địa phương, thể hiện qua các dạng như phôi giả và thông tin ghi trên GPLX là giả mạo. Phôi thật nhưng thông tin ghi trên GPLX không đúng với sổ cấp của cơ quan quản lý. Một thông tin về cá nhân nhưng có tới 2-3 GPLX. Dùng GPLX nước ngoài giả để đổi GPLX Việt Nam thật. Thời gian qua, tại Hà Nội, số người khai báo mất GPLX tăng đột biến. Riêng từ tháng 5-2011 đến tháng 5-2012 đã có hơn 10.000 trường hợp báo mất, tăng gấp hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Trước sự bất thường này, Sở đã chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát để việc cấp, đổi GPLX được chính xác, hiệu quả.
Chấn chỉnh toàn diện công tác cấp GPLX
Cả nước hiện có trên 32 triệu GPLX, trong đó có 3,1 triệu GPLX ô tô và 29 triệu GPLX mô tô. Do GPLX hiện hành làm bằng giấy bìa nên trong quá trình sử dụng dễ bị hỏng, nhàu nát, bị sửa, thay ảnh và làm giả. GPLX chưa có song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. |
Cùng với tình trạng GPLX giả, nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn bộc lộ không ít bất cập. Ông Lâm Thanh Sơn (Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT) đánh giá: Qua kiểm tra thực tế, một số cơ sở chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn xảy ra hiện tượng cắt xén chương trình đào tạo. Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số nội dung và hình thức đào tạo chưa phù hợp với thực tế. Nội dung các môn học còn nhiều vấn đề chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội nên người học không quan tâm, dẫn đến việc dạy và học mang tính đối phó, chủ yếu là để vượt qua kỳ sát hạch lấy GPLX…
Hiện nay, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông", triển khai trong năm 2012 với các giải pháp trọng tâm như: Sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong công tác đào tạo sẽ bổ sung quy định số lượng xe tập lái cũng như thời gian học thực hành hạng B1, B2 có sử dụng hộp số tự động. Tăng số giờ học thực hành lái xe trên đường. Tập huấn lại đội ngũ giáo viên dạy lái xe tại tất cả cơ sở đào tạo lái xe ô tô… Trong công tác sát hạch sẽ ban hành bộ câu hỏi và phần mềm với các nội dung liên quan đến nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; lắp camera, màn hình hiển thị để công khai quá trình và kết quả sát hạch lý thuyết và thực hành…
Từ ngày 1-7 sẽ cấp, đổi GPLX theo mẫu mới làm bằng chất liệu nhựa PET, in ảnh của người lái xe và có các thông số kỹ thuật nhằm chống làm giả. Công nghệ thông tin sẽ được áp dụng để hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý trên toàn quốc thông qua cổng thông tin điện tử về GPLX. Với phần mềm này sẽ dễ dàng kiểm tra, xử lý những người đã bị lực lượng chức năng thu hồi GPLX giả báo mất để được cấp lại; hạn chế việc sử dụng GPLX giả và giảm thủ tục, thời gian xác minh GPLX…
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: Cần chấn chỉnh toàn diện công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông trong khi chất lượng đào tạo, sát hạch và khâu tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chưa nghiêm túc. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy lái và sát hạch, thời gian tới cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, trung tâm có tiêu cực; đẩy nhanh áp dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.