Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Giấy căn cước” của Hà Nội

Thế Dũng| 25/09/2010 08:07

(HNM) - Đây là nhận định của ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tại lễ công bố bản đồ


Bản đồ Hà Nội 1831 “Hoài Đức phủ toàn đồ”.


Với những người nghiên cứu về Hà Nội, việc tận mắt được chứng kiến "Hoài Đức phủ toàn đồ" "bằng xương, bằng thịt" thật sự là cơ hội "vàng". Nói như vậy bởi từ trước đến nay, người ta chỉ biết đến phiên bản của "Hoài Đức phủ toàn đồ" qua bản vẽ lại, kèm phiên âm từ nguyên gốc chữ Hán sang chữ Quốc ngữ do cụ Biệt Lam Trần Huy Bá vẽ lại những năm giữa thế kỷ XX; hoặc tấm bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873. Vậy "Hoài Đức phủ toàn đồ" quý hiếm ở những điểm gì?

"Hoài Đức phủ toàn đồ" có kích thước 1,75m x 1,9m, do hai tác giả là Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12, tức năm 1831. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, tấm bản đồ trên có nhiều giá trị. Trước hết, nó cho thấy vị trí các sông, hồ, đầm, đường sá một cách chính xác, hình thái của chúng tồn tại đến tận ngày nay. Qua bản đồ này, ta biết là bao nhiêu ngọn núi đã bị bạt, bao nhiêu hồ đã bị lấp, những con đường hoặc đã bị bỏ hoặc được dùng (có mở rộng uốn nắn) tới tận bây giờ. Bản đồ cho thấy vị trí tòa lũy đất bao quanh khu kinh thành xưa. "Hoài Đức phủ toàn đồ" cho thấy vị trí các dinh thự, kho tàng, công sở trong thành Hà Nội cũng như ngoài thành, các lỵ sở phủ Hoài Đức và hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận... "Điểm qua những ý nghĩa trên, ta thấy bản đồ năm 1831 thật sự có giá trị" - ông Nguyễn Vinh Phúc nhấn mạnh.

PGS-TS Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học) cho rằng, "Hoài Đức phủ toàn đồ" là tài liệu gốc duy nhất còn lưu giữ được, có giá trị đặc biệt quý hiếm, cung cấp những thông tin chính xác nhất về chu vi, diện tích cũng như các địa danh thuộc phủ Hoài Đức nằm trên địa bàn nội thành Hà Nội cũ, trước thời gian Vua Minh Mệnh cho nhập phủ Hoài Đức với trấn Sơn Nam, đặt thành tỉnh Hà Nội. Các địa danh hành chính của phủ Hoài Đức được ghi trong bản đồ là lớp địa danh hành chính được duy trì từ năm 1805, khi Vua Gia Long cho đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, kiêm quản hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận đến trước khi Minh Mệnh đặt tỉnh Hà Nội, khoảng tháng 11-1831. Vì vậy, "Hoài Đức phủ toàn đồ" là tài liệu quan trọng đáng tin cậy nhất để làm cơ sở đối chiếu, tìm hiểu, nghiên cứu về sự biến động địa danh hành chính ở khu vực nội thành Hà Nội sau cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh.

Theo nhiều học giả, "Hoài Đức phủ toàn đồ" còn cung cấp cho hậu thế toàn bộ 17 cửa ô vùng thành Đại La, đồng thời có xác chỉ vị trí của từng cửa ô trong bản đồ. Ngoài ra, hai tác giả của tấm bản đồ cũng đo chiều dài vòng thành Đại La chạy qua các cửa ô, chu vi gần bằng 15km, điều mà các nhà nghiên cứu xưa thường ước lệ chứ ít dẫn được nguồn tài liệu chân xác.

Qua năm tháng thời gian, "Hoài Đức phủ toàn đồ" bản gốc lưu giữ lại đến nay đã ố vàng, nhiều mảng bị giòn vỡ, trong tình trạng bị hủy hoại nghiêm trọng. Để phục dựng lại, các chuyên gia của Cục Đo đạc Bản đồ đã sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm phản ánh trung thành bản gốc. Điều đó cũng cho thấy việc bảo quản "Hoài Đức phủ toàn đồ" là việc làm cấp thiết hiện nay.

GS-TS Đỗ Hoài Nam (Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam) cho biết, ngoài "Hoài Đức phủ toàn đồ", Viện đang quản lý, lưu giữ hơn 1.000 bản đồ các loại, trong đó có khoảng 40 bản đồ về Hà Nội. Hầu hết số này được vẽ, in và xuất bản từ thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX, chứa đựng nhiều thông tin có giá trị về các mặt lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa… Nếu được khai thác tốt, đây sẽ là nguồn sử liệu quan trọng để nhận biết về Hà Nội qua những biến thiên của thời gian.

Nhân dịp này, GS-TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã trân trọng trao tặng UBND thành phố Hà Nội một bản sao của "Hoài Đức phủ toàn đồ". Tiếp nhận món quà quý nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội sẽ sớm trưng bày "Hoài Đức phủ toàn đồ" tại Khu di tích Thành cổ Hà Nội để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế có thể chiêm ngưỡng, từ đó hiểu thêm về lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Giấy căn cước” của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.