Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giàu nghèo là ở cái tâm

Nguyễn Xuân Bách| 09/01/2011 07:38

(HNM) - Mới đây, "Mỗi tuần một câu hỏi" nhận được lá thư của một phụ huynh có con đang học lớp 2 Trường Tiểu học Kim Đồng. Lá thư được viết với lời lẽ giản dị nhưng đầy kính trọng và tình cảm đối với cô giáo chủ nhiệm vì cô đã không quản ngại khó khăn để dạy học sinh của mình.

Lá thư kể tường tận: "Mặc dù có con nhỏ 3 tuổi, nhưng 3 ngày đầu tuần nào cũng vậy, sau khi kết thúc giờ học, cô dành một tiếng đồng hồ để kèm 10 học sinh yếu của lớp học toán và tiếng Việt. Nhưng điều đáng nói là cô không đòi hỏi gì, ngoài việc học sinh phải chăm chú học tập. Cảm kích trước việc làm ấy, nhiều phụ huynh muốn đền đáp công lao của cô. Nhưng thay vì nhận, cô chỉ vui vẻ nói: "Chỉ cần thấy phụ huynh vui vì sự tiến bộ của con mình thì đó là món quà ý nghĩa nhất đối với giáo viên rồi".

Trong khi xã hội đang lên án sự thiếu trách nhiệm, vật chất hóa các giờ dạy của một bộ phận giáo viên thì cô giáo trên có thể nói là một trong số ít người tận tâm với học sinh. Cảm nhận về vấn đề này như thế nào?

Em Vũ Mai Hương, lớp 9

- Cô giáo trên rất đáng kính trọng. Vì học phổ thông đã 9 năm nay và đã học ở nhiều nơi, em biết bây giờ chỉ cần giáo viên dạy thêm với tinh thần, trách nhiệm của một người giáo viên thì cũng đã là tốt rồi. Ở đây cô còn dạy không đòi hỏi gì thì điều đó còn tốt hơn nhiều lần nữa ạ. Chẳng bù cho những giáo viên mà chỉ vì học sinh nghèo chưa có tiền đóng học, đã mắng té tát, thậm chí có cô còn mang hoàn cảnh của học sinh ra để chì chiết, đay nghiến. Chuyện này có thật đấy ạ. Ước gì có nhiều cô giáo như cô giáo dạy lớp 2 trên đây "Mỗi tuần..." nhỉ!

Em Nguyễn Thanh Hương, lớp 10

- Cô giáo mà "Mỗi tuần..." nói rất hiếm. Bây giờ chẳng có giáo viên nào dạy thêm mà không lấy tiền. Vì vậy nếu học sinh nào không đi học thêm là cô "đóng đinh" trong đầu ngay để ít nhất lúc nào bị điểm kém là cô có thể mang ra "mổ xẻ". Ví dụ: "Tôi tưởng anh đi học thêm ở đâu cao siêu lắm, sao bài này lại không làm được?"… Có bạn còn phải tính toán thế này mới khổ, mặc dù không muốn nhưng vẫn phải đăng ký đi học thêm của cô rồi mới đi học thêm ở đâu thì học. Vì làm như vậy, vừa không mất lòng cô, vừa được đi học nơi khác mà không phải lo lắng gì.

Thầy Nguyễn Anh Dũng, dạy toán

- Nghe học sinh nhận xét như vậy mà tôi thấy đau lòng. Không biết nếu giáo viên nghe học sinh nói về mình như vậy, họ sẽ thế nào? Nhưng nguyên nhân đầu tiên là do chính họ thôi, "gieo gì gặt nấy mà". Theo tôi, nghề giáo là nghề cao quý, không thể bán rẻ nghề để đánh đổi bất cứ thứ gì. Còn giàu nghèo là do chính cái tâm và chuyên môn của giáo viên quyết định. Giáo viên trên đã nói rất đúng, niềm vui của phụ huynh trước sự tiến bộ của con cái mình là món quà quý giá nhất với giáo viên. Không tiền nào có thể mua được điều đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giàu nghèo là ở cái tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.