Bất chấp những dấu hiệu giảm bớt căng thẳng, giao tranh tiếp tục xảy ra giữa binh sỹ Thái Lan và Campuchia tối 2/5 và rạng sáng 3/5 tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Đụng độ làm một binh sỹ Thái Lan thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng của cả hai bên kể từ khi giao tranh bùng phát ngày 22/4 đến nay lên 18 người.
Binh sỹ Thái Lan tại huyện Phanom Dong Rak, tỉnh Surin, tiếp giáp Campuchia ngày 29/4.(Nguồn: AFP/TTXVN) |
Người phát ngôn quân đội Thái Lan Sukit Subanjui cho biết ngoài một binh sỹ thiệt mạng, phía Thái Lan còn có ba binh sỹ bị thương. Hai bên đã giao tranh bằng súng trường và súng cối.
Trước đó, ngày 2/5, hàng chục nghìn người dân ở khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia phải sơ tán lánh nạn đã bắt đầu trở về nhà sau khi giao tranh giữa hai bên có dấu hiệu lắng dịu.
Trong khi đó, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại Hague, Hà Lan ngày 2/5 cho biết Campuchia đã gửi đơn kiến nghị lên tòa án này về tranh chấp chủ quyền với Thái Lan xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear, đồng thời đề nghị ICJ yêu cầu Bangkok rút quân khỏi khu vực tranh chấp.
Trong đơn yêu cầu, phía Campuchia nêu rõ nước này muốn có lời giải thích từ ICJ về ý nghĩa và mục đích của phán quyết mà cơ quan này đưa ra năm 1962 để "có thể tạo cơ sở cho một giải pháp cuối cùng về tranh chấp thông qua đàm phán hoặc bất cứ một giải pháp hòa bình nào khác."
Phnom Penh cũng cáo buộc Bangkok chịu trách nhiệm về những vụ đụng độ nghiêm trọng từ hôm 22/4 vừa qua.
Đền Preah Vihear nằm trên đỉnh núi ở khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia và hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
Năm 1962, ICJ đã phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia, nhưng đường ranh giới của khu vực tranh chấp rộng khoảng 4,6km2 xung quanh ngôi đền chưa được phân định rõ.
Kể từ khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đền Preah Vihear là Di sản Thế giới năm 2008, tại khu vực này đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa binh sỹ hai nước và trở thành một trong những “điểm nóng” trong quan hệ Campuchia-Thái Lan.
Các cuộc giao tranh giữa Thái Lan và Campuchia kéo dài suốt một thập kỷ qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 50.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.