Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông đường thủy nội địa: Nhiều vi phạm, lắm hệ lụy

Tuấn Lương| 27/10/2017 07:00

(HNM) - Hàng loạt bến thủy nội địa hoạt động không phép trên địa bàn cả nước thời gian qua đã gây không ít hệ lụy...


Thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.


Vẫn diễn biến phức tạp...

Trong những năm qua, Bộ GT-VT và UBND các tỉnh, thành phố đã có nhiều chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Nhờ đó, hoạt động vận tải thủy nội địa đã thay đổi tích cực, với sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng nhanh; tình hình trật tự an toàn giao thông từng bước được bảo đảm, tai nạn giao thông có chiều hướng giảm. Trong 9 tháng năm 2017, toàn quốc xảy ra 76 vụ tai nạn đường thủy nội địa, làm chết 36 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 18 vụ (tương đương 19,56%), giảm 18 người chết (31%), tăng 9 người bị thương (150%). Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, qua phân tích nguyên nhân, các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt (chiếm 70,83%), còn lại do đâm, va chướng ngại vật, chở quá tải và thiết bị không bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, như: Tàu chở hàng 350 tấn đâm tàu đánh cá trên sông Đào (Nam Định), khiến 1 người tử vong ngày 15-3; tàu chở cát tông sập cầu ở Thanh Hóa ngày 21-7; tàu chở hàng đâm thuyền đánh cá làm 2 người tử vong trên sông Đuống, đoạn gần cầu Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) ngày 26-7; vụ sà lan đâm chìm ghe chở cát khiến 2 mẹ con tử vong trên sông Sài Gòn mới đây...

Thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho thấy, toàn quốc hiện tồn tại khoảng 2.300 bến thủy nội địa hoạt động không phép, hoặc giấy phép đã hết hạn, từ đó gây ra không ít hệ lụy, không kiểm soát được điều kiện an toàn của các phương tiện vào và rời bến. Sự tồn tại hàng nghìn bến thủy không phép có nhiều nguyên nhân, như: Xây dựng, phê duyệt quy hoạch bến thủy của nhiều địa phương triển khai chậm; ý thức chấp hành pháp luật của không ít chủ bến rất hạn chế, không thực hiện thủ tục cấp phép, mặc dù đã được hướng dẫn, nhắc nhở, thậm chí đã bị xử phạt hành chính. Cùng với đó, công tác kiểm tra, thanh tra chưa thực hiện thường xuyên, xử phạt vi phạm chưa triệt để. Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm tình trạng bến không phép, từ đó, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành thiếu chặt chẽ...

...và cần gỡ khó


Nhiều phương tiện thủy nội địa chưa bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành. Ảnh: Tuấn khải


Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, nhằm tăng cường bảo đảm an toàn trên các tuyến đường thủy nội địa, Thanh tra Sở đã phối hợp với UBND các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, tập trung vào các chủ phương tiện, chủ bến thủy, người tham gia giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các bến thủy nội địa, bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng, phương tiện chở người, chở hàng trên các tuyến sông. Tính từ ngày 1-1 đến 30-9, Thanh tra Sở đã xử lý 101 trường hợp vi phạm, phạt tiền 706 triệu đồng đối với các hành vi: Đưa bến thủy nội địa vào hoạt động không phép; sử dụng thiết bị xếp dỡ hàng hóa không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba...

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, khâu kiểm tra, xử lý và giải tỏa vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, việc tạm giữ phương tiện để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn khó khăn do chưa có bến neo đậu. Ngoài ra, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động lén lút, lợi dụng các địa bàn giáp ranh, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng nên rất khó kiểm soát.

Đại diện Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, chưa thể xử lý hết tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là nạn chở quá tải, do thiếu trầm trọng bến bãi lưu giữ phương tiện. Cả thành phố hiện chỉ có 1 bến tạm giữ phương tiện vi phạm ở quận 8; khả năng tiếp nhận và lưu giữ tối đa chỉ đáp ứng được các loại phương tiện từ 500 tấn trở xuống. Do đó, nhiều trường hợp dù phát hiện vi phạm cũng chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở hoặc phạt rồi cho đi, không thể tạm giữ phương tiện, bảo quản hàng hóa... Vì vậy, nhiều chủ phương tiện "nhờn" luật, thường xuyên vi phạm, nhất là trên các tuyến sông Sài Gòn, Soài Rạp...

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhằm tăng cường quản lý, Cục đã có văn bản đề nghị các sở GT-VT, đơn vị trực thuộc rà soát, phân loại bến chưa được cấp phép và đề xuất giải pháp xử lý từng trường hợp. Đối với những bến chưa có quy hoạch mà không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, không nằm trong phạm vi công trình, đề nghị Sở GT-VT cấp phép thời hạn 1 năm, sau đó bổ sung quy hoạch.

Đối với những bến nằm ở vị trí có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, trong phạm vi bảo vệ các công trình, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tuyên truyền, vận động chủ bến ngừng hoạt động và có biện pháp giải tỏa. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phương tiện, thuyền viên và người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao thông đường thủy nội địa: Nhiều vi phạm, lắm hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.