Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cải thiện

An Tôn| 03/06/2022 06:40

(HNMO) - Các tuyến đường cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh vốn có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, nên thường xuyên xảy ra ùn ứ, lộn xộn. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp để duy trì và phát huy sự tích cực này.

Phương tiện lưu thông trên cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tuân thủ quy định làn di chuyển.

Ổn định giao thông trên cao tốc

Chiều 2-6, tài xế Trương Vũ Khánh phấn khởi chia sẻ với phóng viên sau khi kết thúc chuyến xe tải chở hàng từ thành phố Thủ Đức theo cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Đồng Nai: “Chừng 10 ngày qua, xe chạy trên cao tốc ngay hàng thẳng lối hơn. Đặc biệt, không còn tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp. Trước đây, tôi từng chứng kiến nhiều xe cứu thương hú còi vô vọng mà không thể có đường đưa người bệnh đến viện vì làn khẩn cấp đã bị xe cộ bịt kín”.

Tình hình trật tự giao thông trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương về miền Tây Nam Bộ cũng đã được cải thiện. Anh Vũ Hồng Sơn, tài xế lái xe tải trên tuyến, cho biết: “Hôm rồi cháy xe chở hàng, xe cứu hỏa phải chật vật tiếp cận hiện trường vì làn khẩn cấp bị nhiều xe bịt kín. Mấy bữa nay công an tăng cường xử phạt, hầu như không còn xe chạy vào làn khẩn cấp nữa”.

Đúng như anh Sơn chia sẻ, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp gây nguy hiểm khi lưu thông trên cao tốc và xử phạt người điều khiển ô tô chạy vào làn khẩn cấp sai quy định với mức phạt 5 triệu đồng; tước bằng lái 2 tháng.

 Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử phạt người lái xe vào làn khẩn cấp trên cao tốc.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội phó Đội 7, Phòng 8, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã kết hợp cả phạt “nóng” tại những chốt trực tiếp trên các tuyến đường hay xử phạt “nguội” qua camera ghi hình trên tuyến. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử phạt gần 500 trường hợp vi phạm.

Tính riêng trong nửa cuối tháng 5-2022, lực lượng chức năng đã xử phạt gần hơn 100 trường hợp vi phạm. Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai chuyên đề này trên các tuyến đường được phân công phụ trách.

Khẩn trương triển khai ETC

Cả 2 tài xế Trương Vũ Khánh và Vũ Hồng Sơn đều nhận định, tình hình giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh còn có thể cải thiện hơn nữa, nếu khắc phục được tình trạng ùn ứ xe tại các trạm thu phí. Một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này là việc tăng số cửa sử dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC).

 Trạm thu phí Long Phước sẽ được đầu tư tối đa số cửa ETC, đi vào khai thác từ tháng 8-2022.

“Hiện ở trạm thu phí Long Phước (cửa ngõ ra, vào cao tốc) thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mới chỉ có 2/14 cổng là ETC nên xe phải xếp hàng đợi lâu khi qua các cổng thu phí thủ công, gây ùn ứ phương tiện kéo dài nhiều ki lô mét”, anh Khánh nói.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (đơn vị đầu tư, quản lý và khai thác cao tốc này) cho biết, ngày 25-5 vừa qua, doanh nghiệp đã đóng đợt chào thầu hơn 1.000 tỷ đồng để lựa chọn nhà thầu lắp đặt thiết bị ETC trên các tuyến đường đơn vị quản lý.

“Dự kiến, từ tháng 8-2022, chúng tôi sẽ đưa vào khai thác tối đa số làn ETC trên cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây”, ông Phạm Hồng Quang nói.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, hướng tới thu phí ETC 100% số cửa tại các trạm thu phí do thành phố quản lý. Cụ thể, trạm thu phí cầu Phú Mỹ có 8/18 cổng ETC. Với lưu lượng xe hiện tại qua trạm là 24.000 lượt xe/ngày, bằng 6,6% công suất thông xe của các cổng ETC, chủ đầu tư phải đóng ngay 10 làn thu phí thủ công, chỉ thu phí không dừng.

Các trạm thu phí giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai 100% số cửa ETC.

Với trạm thu phí xa lộ Hà Nội, nhà đầu tư phải lắp ngay 8 cổng thu phí ETC. Trạm BOT đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu phải lắp hoàn chỉnh cả 6 cổng ETC trước khi khai thác. Trạm thu phí An Sương - An Lạc phải lắp thêm 4 cổng ETC thay thế cho thu phí thủ công.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã báo cáo Chính phủ, xin phép không triển khai thu phí ETC tại trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh. Trạm này có 20 cổng thu phí, chỉ còn hoạt động đến tháng 4-2028, thu phí tạo nguồn tiền duy tu đường Nguyễn Văn Linh.

“Suất đầu tư ETC cao, thời gian thu phí còn lại ngắn, mức thu phí thấp nhất cả nước, lại không thu phí xe dưới 9 chỗ, nên thành phố kiến nghị để trạm hoạt động như hiện tại”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cải thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.