(HNM) - Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều nhà khoa học đã gác bỏ sự nghiệp, danh lợi ở nước ngoài để dấn thân vào dòng chảy của dân tộc với những chiến công thầm lặng. Cố Thiếu tướng, GS-TSKH Nguyễn Đình Ngọc, một người con của Hà Nội cũng là một trường hợp như vậy.
Tôi có may mắn được biết cố GS Nguyễn Đình Ngọc vào những năm tháng cuối đời của ông. Ấn tượng về người đàn ông nhỏ bé, có đôi mắt sáng và thường mặc bộ quân phục ngành công an đã bạc màu ngồi chủ trì các buổi hội thảo về công nghệ thông tin (CNTT) khiến tôi tò mò. Sự sắc sảo khi phát biểu, luôn lắng nghe, tác phong đặc biệt giản dị của ông đã thuyết phục tất cả các nhà báo theo dõi ngành CNTT. Dần dà tìm hiểu thêm, tôi được biết ông không chỉ là nhà khoa học lớn mà còn là điệp viên có thời gian dài hoạt động trong lòng địch.
Cố GS Nguyễn Đình Ngọc sinh ngày 13-8-1932, là người xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Cuối năm 1947, ông cùng cha là Bác sĩ yêu nước Nguyễn Đình Diệp bị giặc Pháp bắt. Khi hai cha con ông bị giải đến Đáp Cầu (Bắc Ninh), trước lúc chia tay để không bao giờ được gặp lại, Bác sĩ Nguyễn Đình Diệp đã căn dặn con trai: "Con hãy cố học và giúp người khác học, dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy". Lời dặn ấy như thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Đình Ngọc không ngừng phấn đấu trên con đường chinh phục các đỉnh cao tri thức.
Năm 1953, Nguyễn Đình Ngọc được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập. Đây cũng là năm ông chính thức gia nhập lực lượng điệp báo của Công an nhân dân Việt Nam. Gần 10 năm sống và học tập tại Pháp, chàng trai người Việt Nguyễn Đình Ngọc đã giành được nhiều bằng cấp loại xuất sắc như: Kỹ sư khí tượng, viễn thông, kỹ sư đóng tàu, Tiến sĩ địa vật lý, Tiến sĩ toán học. Thời gian này, ông cũng tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH của Pháp.
Nguyễn Đình Ngọc về nước vào tháng 2-1966, được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm vào vị trí Giáo sư ĐH Khoa học Sài Gòn. Ông thường xuyên được mời cộng tác, làm việc cho hệ thống tính toán của quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ. Do mối quan hệ công việc và xã hội, GS nắm được nhiều thông tin quan trọng và đã cung cấp nhiều tin tức tình báo chiến lược dưới bí danh "Diệp Sơn". Tất nhiên, ngoài danh phận nhà khoa học, người ta chỉ biết đến ông với tư cách nhà tình báo sau khi nước nhà được thống nhất vào năm 1975.
Theo hồi tưởng của GS Bùi Trọng Liễu (ĐH Paris - Pháp): Ngay từ hồi còn ở Pháp, GS Ngọc thi thoảng hay sang Thụy Sĩ với lý do thăm bạn mà sau này ông mới được biết Thụy Sĩ là đầu mối liên lạc với tổ chức. Cuộc đời làm tình báo của GS Nguyễn Đình Ngọc đến nay vẫn còn nhiều bí mật. Người ta chỉ được biết đến ông qua một vài dòng thông tin như: Trong vai trò một điệp báo viên, những tin tức do ông cung cấp luôn chính xác, kịp thời và vô cùng quan trọng - thông tin về cuộc tập kích vào Trung ương Cục miền Nam; về việc năm 1975 Mỹ sẽ không quay lại để giúp chính quyền Sài Gòn...
Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn khi đó đã rất ngưỡng mộ tài năng khoa học và những chiến công thầm lặng của GS Nguyễn Đình Ngọc. Do đó, ông được mời ra Hà Nội làm việc, đảm nhiệm công tác tiếp cận các hệ thống máy tính của Mỹ để lại và tiếp nhận các hệ thống máy tính mới của Liên Xô. Giai đoạn 1989-1994, ông lần lượt giữ chức vụ Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Khoa học viễn thông và tin học (Bộ Công an). Năm 1994, GS Nguyễn Đình Ngọc được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2000, khi Ban chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin quốc gia được thành lập, ông được cử giữ chức Phó trưởng ban.
Không chỉ dành nhiều thời gian để phát triển khoa học - công nghệ trong ngành công an, GS Nguyễn Đình Ngọc cũng tham gia ban vận động thành lập Trường ĐH Thăng Long - ĐH ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam thời đổi mới; có thời gian là Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Tây Đô - Cần Thơ. Nói đến GS Nguyễn Đình Ngọc, nhiều doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều rất trân trọng bởi chính họ đã thành nghề nhờ được ông dạy dỗ. Điển hình là ông Phạm Thiện Nghệ, Giám đốc Công ty Máy tính Khai Trí (TP Hồ Chí Minh): "Thầy rất nhiệt tình, nghiêm khắc và không bao giờ nhận quà biếu xén của học trò. Nếu thấy trò khó khăn, thầy còn giúp đỡ vật chất" - ông Nghệ tâm sự. Có thể nói, dù làm bất cứ việc gì, GS Nguyễn Đình Ngọc đều dốc hết tài năng và tâm trí nhằm đạt tới kết quả tối ưu.
Gần 4 năm sau ngày ông tạ thế (ông mất ngày 2-5-2006), nhưng sẽ còn mãi hình ảnh một nhà khoa học, một nhà tình báo đến các cuộc họp với chiếc xe đạp cũ, bắt tay ai cũng rất chặt, lời nói giản dị, đôi mắt sáng và ấm áp. Vinh quang dành cho ông, như nhiều người nói "đó là sự cống hiến lặng lẽ và mãi mãi sẽ còn được giữ kín".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.