(HNM) - Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nước ngoài hàng đầu về Việt Nam, công tác tại Học viện Quốc phòng Australia về tình hình quốc tế khu vực Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trong năm 2014. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Báo Hànộimới và Giáo sư Carl Thayer.
- Thưa Giáo sư Carl Thayer, năm 2014, tình hình tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp. Điều này có ảnh hưởng gì đến chính sách ngoại giao, quân sự của các cường quốc trên thế giới?
- Những động thái gần đây cho thấy, Trung Quốc gia tăng những hành động mạnh mẽ liên quan đến chủ quyền biển đảo trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Tại biển Hoa Đông, điều này đặt ra một thách thức lớn đối với Mỹ và Nhật Bản, dẫn đến việc cả hai cùng củng cố liên minh của họ. Tổng thống B.Obama đã đặt uy tín cá nhân đằng sau chính sách của Mỹ bằng cách tuyên bố rằng, liên minh Mỹ - Nhật Bản sẽ có trách nhiệm trong vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - PV).
Với Biển Đông, cả Nhật Bản và Mỹ cùng hướng tới hỗ trợ xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho Philippines và Việt Nam. Ấn Độ cũng tham gia vào quá trình hiện đại hóa hải quân và cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam. Nga không tham gia trực tiếp vào các tranh chấp nhưng vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, cả Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đều hỗ trợ cho Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong quan hệ với Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kết thúc sớm việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nước này cũng tiếp tục gây áp lực chính trị, yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch hơn trong vấn đề quân sự và giải quyết tranh chấp biển hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
- Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (HD-981) hồi đầu tháng 5 đến giữa tháng 7-2014, trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam dự báo chỉ là bước khởi đầu trong chuỗi tham vọng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Theo Giáo sư, thời gian tới Trung Quốc sẽ làm gì tại Biển Đông?
- Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông bằng nhiều cách thức khác nhau, đặc biệt là gia tăng mở rộng các đảo nhân tạo để xây dựng cầu cảng, sân bay. Trung Quốc cũng sẽ đưa nhiều tàu vận tải lớn, trang bị hệ thống điện công suất lớn, lọc nước..., hướng tới dân sự hóa các hòn đảo nhân tạo này. Nước này cũng “bật đèn xanh” cho việc mở rộng hoạt động đánh bắt cá dần về phía nam Biển Đông với đội tàu hậu cần cỡ lớn, có thể thu mua nguyên liệu từ hàng trăm tàu đánh bắt của ngư dân. Điều này sẽ châm ngòi cho cuộc đối đầu ở các khu đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” mà nước này tự vẽ ra. Trung Quốc cũng sẽ bảo vệ đội tàu cá của mình bằng việc triển khai các tàu thực thi pháp Luật Hàng hải hiện đại hơn để đe dọa các tàu bảo vệ bờ biển của các nước khác. Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí và tiếp tục đóng mới các giàn khoan dầu cỡ lớn, có thể bắt đầu được triển khai trong năm 2016 - 2017. Nước này sẽ tiếp tục hiện đại hóa hải quân và tiến hành tập trận quy mô lớn tại các vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục tham vấn với ASEAN về DOC và COC. Tóm lại, Trung Quốc đang đặt nền móng cho sự chiếm đóng lâu dài tại Biển Đông.
- Những hành động mở rộng một số bãi đá ngầm của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam có làm mất đi lòng tin của các nước trong khu vực đối với nước này hay không, đặc biệt là khi Bắc Kinh luôn nêu quan điểm là phát triển trong hòa bình với thế giới?
- Sự ngờ vực là có và rất nhiều quốc gia không tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là trong hòa bình. Nhưng họ sẽ giữ hòa khí với Trung Quốc. Các nước khác sẽ áp dụng một chiến lược “bảo hiểm rủi ro” thông qua việc cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc trong khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ấn Độ, Nhật Bản hay Mỹ để cân bằng quan hệ với Trung Quốc.
- Trước diễn biến trong khu vực, Giáo sư có nhận xét gì về những hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong nỗ lực làm giảm căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian qua?
- Chính sách hợp tác kết hợp đấu tranh, đa phương hóa quan hệ ngoại giao kết hợp hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam là phương án đúng đắn. Việt Nam cần nỗ lực duy trì hòa khí với Trung Quốc bằng cách phân biệt rành rọt tranh chấp trên Biển Đông và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nói chung. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển quan hệ ngoại giao với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ bằng cách cho họ thấy lợi ích từ việc duy trì sự ổn định tại Việt Nam cũng như an ninh và hòa bình của khu vực. Việt Nam cũng cần thuyết phục các nước thành viên ASEAN khác hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất và mạnh mẽ hơn trong các vấn đề đối ngoại của khối.
Việt Nam cũng cần từng bước hiện đại hóa lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Về mặt này, các bạn cần xây dựng tổng thể các lực lượng hải quân, phòng không - không quân... với khả năng phối hợp tác chiến cao. Bên cạnh đó là nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của các khí tài quân sự từ các nguồn khác nhau nhằm tối ưu sức mạnh tổng lực.
- Trở lại với ngoại giao Việt Nam, theo Giáo sư thì yếu tố nào là rất đáng chú ý trong năm 2015?
- Năm 2015, Việt Nam - Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao và đây là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện lên tầm cao mới. Điều đó hoàn toàn thích hợp cho chuyến thăm của Tổng thống B.Obama đến Việt Nam; và ngược lại, đây cũng là thời điểm chín muồi cho một chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong năm, tôi cũng mong chờ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương được ký kết, góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế quốc tế, đặc biệt là Mỹ ngày càng sâu rộng hơn.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.