16:26 05/06/2019
Lan toả tinh thần “Cho đi là còn mãi”
Phát biểu bế mạc buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cho đi là còn mãi”, ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ, buổi giao lưu với hàng chục ý kiến hỏi, đáp, chia sẻ từ các khách mời cho thấy, những tấm gương người tốt, việc tốt đã và luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng. Tại buổi giao lưu, 6 khách mời đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, ý nghĩa đối với cuộc sống và nhiều giải pháp hay để thực hiện hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
“Sau buổi giao lưu này, chúng ta hãy cùng nhau làm việc tốt, để việc tốt tiếp tục sinh ra việc tốt, cái xấu bị đẩy lùi, từ đó làm nền tảng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh”, ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.
16:19 05/06/2019
Cả 6 khách mời tham gia giao lưu đều được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”
Trong hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra giao lưu, rất nhiều bạn đọc đã tiếp tục gửi câu hỏi tới các khách mời. Tuy nhiên, vì thời lượng không cho phép, những câu hỏi của bạn đọc chưa được các khách mời trả lời trực tiếp, sẽ được Báo Hànộimới tiếp tục tổng hợp, chuyển đến các khách mời.
Trong số 6 tấm gương người tốt, việc tốt tham gia giao lưu, có 4 tấm gương đã được thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đã quyết định khen thưởng 2 cá nhân còn lại và đã tổ chức trao Bằng khen cho hai tấm gương này ngay tại cuộc giao lưu hôm nay.
Ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới đã trao Bằng khen và Huy hiệu "Người tốt - Việc tốt" cho bà Trần Thị Nhị - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Liên và sinh viên Lê Hương Giang, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
16:18 05/06/2019
Học cách yêu thương,trân trọng những giá trị tốt đẹp
Chia sẻ cảm xúc sau khi lắng nghe những câu chuyện của các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến, em Lê Hương Giang bày tỏ: Trong buổi giao lưu, cháu đã được lắng nghe những câu chuyện cảm động và thấy rằng, những thế hệ đi trước đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Là một người trẻ, cháu nghĩ rằng, trước khi học cách có được nguồn thu nhập tốt thì phải học cách yêu thương, chăm sóc những người xung quanh mình.
Cháu rất thích câu nói của Steve Jobs “Hãy sống khát khao, hãy dại khờ”. Các thế hệ đi trước đã để lại nhiều giá trị sống quý giá, tốt đẹp cho chúng cháu, dạy chúng cháu biết cách quan tâm, yêu thương những người xung quanh và trân trọng những giá trị tốt đẹp thì các thế hệ đi sau phải hết sức nỗ lực để phát huy những giá trị này.
16:09 05/06/2019
Học Bác mỗi ngày
Giao lưu với độc giả HNMO, bà Trần Thị Nhị chia sẻ niềm vinh dự và cảm động khi được tham gia buổi giao lưu. Bà cũng kể về niềm đam mê yêu thích môn lịch sử của mình và những niềm vui trong việc giảng dạy môn lịch sử.
"Khi về công tác tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, với 18 năm làm công tác thuyết minh, tôi thấu hiểu sâu sắc cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp cho tôi có nhiều tư liệu quý. Tôi đã làm những đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và giúp nhiều giáo viên dạy học bằng giáo cụ trực quan tại Bảo tàng. Khi phụ trách tại kho tư liệu Bảo tàng, được tiếp cận khối tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng thấy mình đã học tập được ở Bác rất nhiều".
Bà Nhị đã chia sẻ về các việc làm của mình để dấy lên phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ như mở các câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" với bài giảng bằng giáo cụ trực quan; tăng cường các hoạt động tuyên truyền bổ ích, lý thú; đưa các em đi tham quan các di tích lịch sử cách mạng, về quê Bác...
Xem thêm bài viết về bà Trần Thị Nhị trên Báo Hànộimới:"Nhớ Bác, học Bác mỗi ngày"
16:05 05/06/2019
Phần V của buổi giao lưu có chủ đề: “Học tập và làm theo lời Bác”
Bà Trần Thị Nhị, nguyên cán bộ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là một trong những điển hình cho phong trào thi đua “Học tập và làm theo lời Bác”. Không chỉ đã, đang và luôn làm theo lời Bác dạy mà bà còn góp phần truyền bá những tư tưởng cao cả của Người. Gần 30 năm công tác, bà Trần Thị Nhị đã say mê nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị của những kỷ vật thiêng liêng về Người. |
Bà Trần Thị Nhị (giữa) chia sẻ tại giao lưu trực tuyến "Cho đi là còn mãi". |
15:34 05/06/2019
Nặng lòng với những người đã hy sinh thầm lặng
Chia sẻ với độc giả về kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá trình đi thu thập tư liệu, lấy chứng cứ làm hồ sơ để giúp gia đình những người có công với cách mạng hoàn thành tâm nguyện của mình, bà Dần kể mình là người ngưỡng mộ Bộ đội Cụ Hồ và nặng lòng với những người đã hy sinh thầm lặng, những liệt sỹ vô danh.
Bà Phạm Thị Dần. |
"Khi tôi tập cầm bút, tôi vẫn thích viết về các anh bộ đội, những chiến sỹ thanh niên xung phong. Càng tìm hiểu, tôi càng say mê. Tôi vào cuộc bằng hết tâm huyết của mình", bà Phạm Thị Dần nói.
Ông Lê Hồng Hà, người đồng hành cùng bà Phạm Thị Dần chia sẻ: Trong lúc tôi đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội thì được người anh giới thiệu bà Phạm Thị Dần. Dù khó khăn, vất vả nhưng bà Dần đã cùng tôi nhiều lần vào Tây Ninh khảo sát để tìm đồng đội… Bà là người không hám danh lợi, không màng bổng lộc, đi tìm mộ liệt sĩ bằng nhiệt huyết.
Chia sẻ thêm về cơ duyên đến với nghề viết báo, bà Phạm Thị Dần cho biết mình rất yêu văn chương, yêu nghề báo. "Với năng khiếu của mình, tôi rất hay viết những câu chuyện đời thường để gửi báo. Tôi cũng từng được giải về viết kịch bản sân khấu và đóng một số vai đơn giản trên sân khấu. Tôi có thể sống một ngày thiếu ăn, nhưng không thể sống một ngày không cầm bút. Trước khi đi ngủ, tôi luôn giữ thói quen đọc sách. Tài sản quý giá nhất đối với tôi là sách vở”, bà Phạm Thị Dần nói.
15:33 05/06/2019
Phần IV của buổi giao lưu có chủ đề: “Tri ân những người có công với đất nước”
Trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta, có biết bao chiến sỹ, người dân đã ngã xuống, hy sinh nơi chiến trường khốc liệt để xây dựng giang sơn gấm vóc hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…".
Có một người phụ nữ đã luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác và làm theo lời Bác dạy. Đó là bà Phạm Thị Dần, thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.
Bà Phạm Thị Dần đã nhiều năm cất công đi tìm gặp những nhân chứng và đồng đội của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc để viết bài ca ngợi nhằm góp phần tri ân công lao của họ. Không những vậy, bà còn giúp họ hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là Liệt sỹ hay Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp của họ với non sông đất nước, điển hình là các ông: Trương Văn Kỳ (xã Đại Xuyên), Trần Văn Quăng (xã Văn Nhân), huyện Phú Xuyên... |
15:22 05/06/2019
Việc nhặt rác ở hồ là điều mọi người đều có thể làm được
Cùng có mặt trong buổi giao lưu với bà Đỗ Thị Tiểu Lan là bà Đinh Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Giảng Võ, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Môi trường xanh”, đồng thời là người kế tiếp công việc của bà Đỗ Thị Tiểu Lan.
“Có một thực tế, nhiều người quan niệm rằng, những người làm việc công ích là những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vậy bà đã vượt qua định kiến này như thế nào để làm tốt công việc phục vụ cộng đồng?” - độc giả Trịnh Thị Lý Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy. |
Bà Thủy cho biết: "Khi bà Tiểu Lan nói với tôi rằng, hồ Giảng Võ bây giờ bẩn quá chị ạ, tôi đã huy động toàn bộ 5 đồng chí trong Ban chấp hành cùng tham gia làm sạch hồ để nêu gương cho nhiều người khác. Chủ nhật các tuần kế tiếp, chúng tôi đều thực hiện công việc của mình. Chúng tôi vừa đi bộ quanh hồ, vừa nhặt rác làm sạch hồ. Tôi cho rằng, việc nhặt rác ở hồ là điều mọi người đều có thể làm được, không phải là việc "đao to búa lớn".
Khi thấy chúng tôi làm những việc như vậy, có người hỏi rằng, chúng tôi có được nhận tiền bồi dưỡng để làm việc đó hay không? Chúng tôi trả lời rằng: Đây hoàn toàn là tinh thần tình nguyện!
Chúng tôi đã tự bỏ tiền để mua quần áo tình nguyện. Nhờ màu áo xanh tình nguyện, hành động của chúng tôi đã lan tỏa, ngày càng có nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài, tham gia làm sạch hồ. Hoạt động này đã được duy trì từ năm 2016 đến nay, kể cả ngày mưa bão hay nắng nóng, chúng tôi vẫn thực hiện công việc này một cách đều đặn, vì một môi trường xanh, sạch, đẹp".
15:18 05/06/2019
Sự ra đời của CLB “Môi trường xanh”
Nói về việc thành lập CLB “Môi trường xanh” nhằm cải thiện môi trường sống của khu vực dân cư phường Giảng Võ, bà Đỗ Thị Tiểu Lan cho biết: Hằng ngày đi đón cháu đi học, bà thấy rác thải ở hồ Giảng Võ và khu vực xung quanh hồ rất nhiều, làm ô nhiễm hồ, cá chết, người dân phóng sinh cá vứt bừa bãi túi ni lông... Khi Ban chấp hành thanh niên xung phong của phường họp, thông tin về Chương trình viết về người tốt, việc tốt, bà đã nghĩ về việc dọn vệ sinh môi trường ở phường. Lúc đầu, chỉ có một số người trong nhóm thanh niên xung phong tham gia.
Khi những hình ảnh nhặt rác của các bà được đưa lên Facebook, nhiều người đã xem và bắt đầu tham gia, trong đó có cả học sinh, sinh viên các trường. Từ đó, CLB "Môi trường xanh" được thành lập và hiện đã thu hút rất nhiều người tham gia.
Dù bất kể trời mưa hay nắng, thành viên của CLB đều đi nhặt rác. Hiện nay, CLB đã duy trì được 3 năm. Qua các hoạt động của mình, CLB đã góp phần nâng cao hơn nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhờ đó nước hồ trong xanh hơn, khu vực xung quanh cũng sạch sẽ hơn.
15:09 05/06/2019
Phần III buổi giao lưu có chủ đề: Hành động vì lợi ích cộng đồng
Bà Đỗ Thị Tiểu Lan là người khởi xướng thành lập CLB “Môi trường xanh” thuộc Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Nhờ hoạt động hữu ích của CLB này mà từ năm 2016 đến nay, khu vực xung quanh hồ Giảng Võ luôn sạch đẹp, không còn rác thải. |
Trong những bài viết mà Báo Hànộimới đăng năm 2018 có rất nhiều tấm gương tích cực hoạt động tại địa phương. Không chỉ bền bỉ cống hiến tâm, sức trong nhiều năm, họ còn chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Trong buổi giao lưu hôm nay, chúng ta sẽ được trò chuyện với 1 người trong số họ, đó là bà Đỗ Thị Tiểu Lan, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình.
Bà Đỗ Thị Tiểu Lan. |