Giới trẻ

Giáo dục về ATGT cho thanh, thiếu niên: Người lớn cần nêu gương

Bài và ảnh: Văn Công 18/08/2023 - 07:00

Số vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang có dấu hiệu gia tăng cho dù công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) đã được ngành Giáo dục quan tâm từ lâu. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có một nguyên nhân đến từ việc các bậc phụ huynh chưa thực sự sát cánh hoặc thiếu tính nêu gương cho trẻ.

gt1.jpg
Phụ huynh chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm cho con.

“Trẻ hóa” tuổi cầm lái

Những năm gần đây, do cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô phát triển mạnh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao nên việc cho con em sở hữu một chiếc xe máy, xe điện là chuyện không khó với nhiều gia đình. Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, người đủ 16 tuổi đến 18 tuổi mới được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cm3, kể cả xe máy điện, tức là tương ứng với lứa tuổi của học sinh trung học phổ thông (THPT).

Quy định là vậy nhưng trước cổng một số trường trung học cơ sở (THCS), dễ dàng bắt gặp một số học sinh điều khiển xe máy điện, thậm chí đi xe máy tới trường. Còn trước cổng một số trường THPT, không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe máy có dung tích lớn hơn 50cm3.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) những năm gần đây liên quan đến trẻ em, học sinh thì có tới 90% liên quan tới lứa tuổi 16 - 18. Đặc biệt, học sinh THCS trở lên đi xe đạp điện gây ra gần 70% số vụ TNGT có thương vong. Đối với bậc THPT, hiện có khoảng trên 50% học sinh đến trường bằng xe máy, xe đạp điện nhưng hầu hết đều chưa có giấy phép lái xe, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, xử lý tình huống và trang bị kiến thức về an toàn giao thông.

Điều đáng báo động là việc các bậc phụ huynh dễ dàng chấp nhận cho con em chưa đủ điều kiện được phép điều khiển phương tiện đến trường. Trong khi đó, trẻ ở lứa tuổi 16 - 18 đang ở giai đoạn phát triển mạnh về tâm sinh lý, thường có xu hướng thể hiện bản thân, cá tính. Ở độ tuổi này, hầu hết các em điều khiển phương tiện giao thông theo bản năng, sang đường, chuyển làn không xi nhan, vượt phải, đi ngược chiều, "kẹp ba, kẹp bốn"... Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh... ngay trước khu vực cổng trường học, gây ra những vụ tai nạn hết sức thương tâm.

gt2.jpg
Không khó để bắt gặp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên đường, thậm chí còn không đội mũ bảo hiểm.

Phụ huynh cần nghiêm khắc, nêu gương

Thực trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông có trách nhiệm không nhỏ từ các bậc phụ huynh. Với tâm lý chiều con, sợ con không bằng bạn bè nên ngay cả khi con chưa đủ tuổi, chưa được trang bị kỹ năng lái xe an toàn nhưng nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng giao cho con xe phân khối lớn. Điều này không chỉ gây mất an toàn cho trẻ, mà còn gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông trên đường.

Chị Trần Thị Dung (44 tuổi, ở xã Quất Động, huyện Thường Tín) vô tư chia sẻ: “Nhà tôi chỉ cách trường có 2km, tôi có khuyên con gái đi xe đạp tới trường nhưng cháu bảo mệt không đạp được. Hơn nữa, bạn cháu đều đi xe máy nên tôi cũng giao chiếc xe Air Blade cho cháu đến trường từ năm học lớp 10. Mỗi sáng tôi đều nhắc cháu đội mũ bảo hiểm nhưng cháu nói sẽ bị mất nếp tóc nên không đội, tôi cũng chỉ khuyên con được như thế...”.

Thực trạng trẻ không chấp hành nghiêm Luật Giao thông còn đến từ sự thiếu nghiêm túc nêu gương của phụ huynh. Hà Nội hiện có khoảng 2,2 triệu học sinh, lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm là rất lớn. Để cho nhanh, tiện đường, một số phụ huynh chọn cách đi ngược chiều, dừng chờ đèn đỏ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm... bất chấp những hệ lụy xảy ra có thể ảnh hưởng đến nhận thức của thế hệ tương lai.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân), trẻ em, kể cả lứa tuổi vị thành niên thích bắt chước người lớn, Đối với học sinh tiểu học, THCS, chỉ cần một vài lần phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con, điều khiển xe vượt đèn đỏ... là sẽ hình thành suy nghĩ “không có vấn đề gì” trong con trẻ, dần dần thành thói quen, khiến cho việc giáo dục trở nên khó khăn. Thêm vào đó, việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình về ATGT còn khá lỏng lẻo. Hầu hết tại các buổi họp phụ huynh, giáo viên chỉ tập trung trao đổi về thành tích học tập, học phí, các sự kiện sắp tới mà ít khi bàn về vấn đề ATGT, cho dù cả hai phía đều biết rằng, trên con đường đến trường của học sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (Công an thành phố Hà Nội) chia sẻ: Người ta thường nói phụ huynh, người lớn là tấm gương của các con nhỏ, thế nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa có ý thức nêu gương. Rất mong các bậc phụ huynh nhận thức rõ vấn đề, thay đổi hành vi phù hợp khi tham gia giao thông để làm tấm gương sáng cho con trẻ.

gt3.jpg
Phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên vượt đèn đỏ tại ngã tư Lê Thanh Nghị - Tạ Quang Bửu.
gt4.jpg
Dừng chờ đèn đỏ sai quy định cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức về chấp hành Luật Giao thông của trẻ em.

Những giải pháp xanh - an toàn

Khi giao phương tiện cho học sinh từ bậc THCS đến THPT tự điều khiển đến trường, không phải phụ huynh nào cũng yên tâm. Một số phụ huynh cho rằng, sở dĩ họ làm điều đó là vì bận rộn, nhà xa hay sợ con không bằng bạn bè.

Tuy nhiên, phụ huynh và nhà trường hoàn toàn có thể lựa chọn những loại phương tiện khác cho con em để chúng đến trường an toàn, như xe buýt, tàu điện trên cao, xe đạp, xe nhà trường đưa đón hoặc thậm chí động viên con em đi bộ nếu như quãng đường đến trường dưới 1km. Các loại phương tiện nêu trên không những an toàn hơn xe máy, xe điện mà còn là phương tiện xanh giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, trao đổi nhiều hơn về đề tài an toàn giao thông đối với học sinh. Ông Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Láng Hạ (Hà Nội) chia sẻ: Nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh về việc chấp hành Luật Giao thông khi đưa đón con em đến trường.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Hiện đang có dấu hiệu “trẻ hóa” tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, điều này rất nguy hiểm bởi người dưới 18 tuổi thường chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe an toàn và quy định về an toàn giao thông. Ngoài việc xử phạt nghiêm đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông thì phụ huynh và nhà trường cần chung tay giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của trẻ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải làm gương cho con trẻ bởi người lớn không gương mẫu thì rất khó dạy dỗ con em. Vì sự tiến bộ của trẻ, người lớn không được có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông khi đưa đón con hằng ngày, như chở quá số người theo quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, bấm còi inh ỏi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục về ATGT cho thanh, thiếu niên: Người lớn cần nêu gương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.