Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục không chính quy thời kỳ đổi mới

ANHTHU| 02/10/2004 10:56

Bình dân học vụ (1945 - 1959) - Bổ túc văn hóa (1959 - 1990) - Giáo dục bổ túc và tại chức (1990 - 1994) - Giáo dục thường xuyên (1994 đến nay), ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi nào giáo dục không chính quy của Thủ đô cũng mang đặc thù chung của ngành học và luôn có những nét riêng biệt.

Bình dân học vụ (1945 - 1959) - Bổ túc văn hóa (1959 - 1990) - Giáo dục bổ túc và tại chức (1990 - 1994) - Giáo dục thường xuyên (1994 đến nay), ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi nào giáo dục không chính quy của Thủ đô cũng mang đặc thù chung của ngành học và luôn có những nét riêng biệt.

Từ ngày giải phóng Thủ đô đến năm 1959, Hà Nội tập trung vào công tác xóa nạn mù chữ. Sau khi được công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ (1959) (biết đọc - biết viết), bên cạnh việc duy trì phong trào, Hà Nội đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa (BTVH). Từ 1959 đến đầu những năm 1970, ngành học đã phục vụ hàng vạn người, chỉ riêng năm học 1961 - 1962, số học viên học BTVH lên đến 122.600 người. Ngày 19-8-1980, Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục cấp I cho toàn dân, hoàn thành phổ cập giáo dục cấp II, cấp III cho nhiều cơ quan xí nghiệp, cho cán bộ chủ chốt. Năm 1978 - 1979, Hà Nội đã khởi xướng mô hình trường BTVH cấp III vừa học - vừa làm cho thanh - thiếu niên…

Năm học 1990- 1991, cũng như toàn ngành, Giáo dục bổ túc Hà Nộibước vào cơn khủng hoảng trầm trọng, có trường số cán bộ, giáo viên gần bằng số học viên. Ngành học bổ túc tồn tại hay xóa sổ ? Để phù hợp với cuộc sống, trong bối cảnh kinh tế - xã hội Thủ đô, giáo dục bổ túc nhận thức cần có hướng đi mới về xây dựng mô hình, về phương thức và hình thức hoạt động mới. Sau nhiều năm xây dựng mô hình mới thành công, cuối năm 1994, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND thành phố, giáo dục thường xuyên (GDTX) Hà Nội cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hội nghị triển khai “công tác GDTX” cho cán bộ chủ chốt của Đảng, UBND và phòng Giáo dục - Đào tạo các quận, huyện, tạo đà mới và bước ngoặt mới phát triển GDTX Thủ đô.

Xây dựng mô hình

Xây dựng mô hình “Trung tâm học tập suốt đời” sau đổi tên thành “Trung tâm học tập thường xuyên cụm xã - phường” được UBND thành phố quyết định là đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố. Năm 1990 - 1991 mô hình được tổ chức thí điểm ở hai trường: BTVH số 2 (Ba Đình) và Việt Hưng (Gia Lâm). Thấy có hiệu quả, năm 1992 thêm ba cơ sở BTVH nữa được thành lập làNguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm) và Đông Anh, Sóc Sơn.

Việc xây dựng “ Trung tâm học tập thường xuyên cụm xã - phường” của Hà Nội đã thu hút được sự chú ý của xã hội, đặc biệt được Bộ GD-ĐT, Vụ Chức năng và Viện Khoa học Giáo dục tận tình giúp đỡ, động viên. Sau khi đề tài “Xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm học tập thường xuyên cụm xã - phường” được Hội đồng Nghiệm thu thành phố đánh giá xuất sắc, Hà Nội không ồ ạt “đổi tên” cho các trường BTVH mà đã quy định tiêu chuẩn phấn đấu trở thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) - tên do quy chế của Bộ quy định với 5 tiêu chí: Cán bộ - giáo viên phải hiểu sâu về GDTX và TTGDTX - Đa dạng đối tượng - Đa dạng chương trình hoạt động - Đa dạng phương thức và hình thức hoạt động - Có cơ sở vật chất kiên cố và có trang bị cho hoạt động.

Đến nay quận, huyện nào của Hà Nội cũng có 1 hoặc 2 TTGDTX hoạt động tương đối vững vàng.

Phương thức hoạt động

Khác với nhà trường trong hệ thống GD chính quy, phương thức hoạt động của GDTX là đa dạng, đa phương, mềm dẻo, hiệu quả.

Với phương thức hoạt động mới, các TTGDTX, TTHTCĐ của Hà Nội đã làm phong phú cho lý luận và thực tế của GDTX, giáo dục cộng đồng; nhiều TTGDTX và TTHTCĐ của Hà Nội đã được bạn bè quốc tế biết đến và học tập. Nhưng điều quan trọng là GDTX Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục cấp cơ sở trong độ tuổi vào tháng 11-1999 và đang phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục cấp trung học,tổ chức nhiều chuyên đề về nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu của cá nhân… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao sức khỏe và cuộc sống lành mạnh… cho cộng đồng.

Mở rộng hình thức hoạt động

Cùng với phương châm “hoạt động có hiệu quả sẽ được ủng hộ”, “Thuyết phục bằng hiệu quả”, GDTX Hà Nội đã mở rộng hình thức hoạt động. Đề tài “Xây dựng phương thức và hình thức giáo dục từ xa ở Hà Nội” được thành phố chấp nhận cho triển khai (1994, 1995, 1996) và được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, ngày 12-4-1994, chương trình “Giáo dục từ xa” của GDTX Hà Nội được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa lên sóng. Việc “Dạy văn hóa trên truyền hình - tự học có hướng dẫn” đưa việc học văn hóa đến từng gia đình, từng người và thực nghiệm giáo dục từ xa cho người khiếm thị có kết quả.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố mã số 01X-06 “Nghiên cứu xây dựng nội dung, phương thức và hình thức giảng dạy phù hợp đối tượng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Hà Nội” được triển khai trong 2 năm 1999, 2000, nhận được sự đóng góp trí tuệ và công sức của nhiều cán bộ nghiên cứu và giáo viên giỏi trong và ngoài GDTX. GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu đã đánh giá: Đây là đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm của các nhà giáo tâm huyết, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và hoạt động GDTX. Sau khi nghiệm thu, cần có chương trình nghiên cứu dài hơi hơn, nhất là tận dụng các phương tiện hiện đại cho giảng dạy và hoạt động GDTX, phục vụ “học tập suốt đời” của mọi đối tượng trong cộng đồng dân cư có hiệu quả.

Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất

Không thể như “tầm gửi” mà phát triển được, nhưng cũng không thể “nằm chờ” có cơ sở vật chất, trang thiết bị mới hoạt động, mà phải tự thân vận động “hoạt động có hiệu quả thiết thực, làm lợi càng nhiều cho dân, cho xã hội, cho địa phương sẽ được dân và lãnh đạo tin yêu, ủng hộ quan tâm đầu tư…”. Đây lại là một chỉ tiêu thi đua, nên được các địa phương đầu tư nhanh. Từ chỗ chỉ là nhà tranh vách đất hoặc đóng nhờ tại các trường PTCS, nay quận, huyện nào cũng có 1-2 trung tâm với cơ sở khang trang hàng tỷ đồng và có nhiều trang thiết bị hiện đại và tự làm.

Xã hội ngày càng phát triển, GD chính quy đa đạng hóa loại hình học tập, số thanh thiếu niên đến học tại các TTGDTX có thể giảm, nhưng nhu cầu học tập của cộng đồng ngày càng tăng, đòi hỏi GDTX phải sáng tạo, sáng tạo hơn và luôn đổi mới và không nên, không bao giờ “Chính quy hóa GDTX” làm mất đặc thù của ngành học, làm mất chính mình.

HNM
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục không chính quy thời kỳ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.