Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Làm gì để “cất cánh” ?

Hồ Quang| 02/01/2010 08:57

(HNM) - "TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng các trường đại học, cao đẳng cao nhất nước, là đầu mối tập trung đào tạo nguồn chất xám cho cả nước nhưng công tác giáo dục đại học ở đây còn nhiều bất cập, nhất là chưa có sự công bằng xã hội trong giáo dục, chưa quản trị tự chủ, giáo dục còn vì lợi nhuận…

Đây là những rào cản khiến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo giáo dục đại học ở TP chưa cao" - GS-TS Phạm Phụ đã nhấn mạnh như thế tại hội thảo "Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục Việt Nam" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Khai trương vườn ươm doanh nghiệp công nghệ ở Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.


Nhiều bất cập
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều trường đại học dân lập, tư thục ra đời đã tạo ra một tín hiệu tốt, nhưng có một điều đáng suy nghĩ, phần lớn các trường đại học dân lập, tư thục ra đời chỉ vì lợi nhuận là chính đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục. "Trường công lập hay tư thục không quan trọng bằng việc giáo dục vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận", GS Phụ khẳng định. Bên cạnh đó, còn có một thực tế về sự mất công bằng trong giáo dục đại học. Bởi theo ông, chi phí đầu vào cho một sinh viên là 10 triệu đồng thì tiền thu học phí chỉ khoảng 3 triệu đồng, còn 7 triệu đồng phải lấy từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên thuộc gia đình giàu có. Như vậy, chúng ta thu thuế của dân cung cấp thêm cho những người giàu.

Trong khi đó, kinh phí đầu tư dành cho giáo dục hiện nay còn quá thấp. "Cùng một mặt bằng giá, nhưng chi phí đầu vào cho một sinh viên ở Đài Loan là 7.000 USD, còn ở Việt Nam chỉ 500 USD. Thử hỏi như thế làm sao có thể đào tạo được một sinh viên chất lượng cao. Chúng ta không thể nói rằng, đầu tư cho giáo dục là phải dựa trên mặt bằng thu nhập chung. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề vay vốn để đầu tư cho giáo dục" GS-TS Phạm Phụ đặt vấn đề. Đứng ở góc độ chuyên môn, PGS-TS Lê Quang Minh, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung chương trình đào tạo của các trường hiện nay đang có nhiều vấn đề. Chương trình học thì rất nhiều nhưng chưa có hệ thống; nhiều khái niệm lập lờ, không rõ ràng; sự lẫn lộn giữa các bằng cấp...

Do đó, việc báo cáo chất lượng của các trường chỉ mang hình thức, thiếu khách quan, trung thực. Bởi trên thực tế việc kiểm định chất lượng đào tạo của một số trường do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nên chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Trong khi hoạt động nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế. Chính PGS-TS Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GD-ĐT) thừa nhận, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của các trường còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu có sử dụng các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tháo gỡ cách nào?
"Qua kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và công bố chất lượng. Việc tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà phải bảo đảm chất lượng. Điều này chưa có trường đại học, cao đẳng nào ở TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước thực hiện được" - PGS-TS Lê Quang Minh cho biết. Vì thế theo ông, để nâng cao chất lượng giáo dục, các trường đại học ở TP nói riêng và Việt Nam nói chung phải tiếp cận với cách làm trên. Muốn vậy cơ chế quản lý cần phải bổ sung điều chỉnh chu kỳ, chu trình kiểm định chất lượng đào tạo. Việc kiểm định chất lượng phải do một tổ chức độc lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là cơ quan nhà nước đứng ra giám sát, chứ không đánh giá. Kết quả kiểm định phải được công khai, minh bạch.

Trên thực tế công tác giáo dục đại học ở TP Hồ Chí Minh không chỉ thiếu phương pháp mà còn thiếu tính thực tiễn. Điển hình là tỷ lệ các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng được đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn rất thấp, gây lãng phí kinh tế. Để khắc phục điều này, trong năm tới những đề tài nghiên cứu khoa học của các trường phải hướng đến những lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí chế tạo máy - tự động hóa, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ vũ trụ… Tập trung nhân lực đi sâu vào hướng nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Làm gì để “cất cánh” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.