Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Đổi mới quản lý là đổi mới cách làm

Quỳnh Phạm| 11/03/2010 07:13

(HNM) - Đồng lòng với Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH đã được khởi động tuần qua, song điều mà đại diện các trường ĐH, CĐ trăn trở nhất vẫn là tính thực tiễn của các giải pháp, là những cơ chế cần thiết kèm theo để chương trình này không chỉ là một phong trào được nhiều người biết đến...

Công khai xong, quan trọng là chất lượng

Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH vẫn là một trong những nội dung chiếm nhiều tâm huyết của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt nội dung "3 công khai" được Bộ GD-ĐT ráo riết yêu cầu các trường thực hiện (công khai cam kết chất lượng giáo dục và giáo dục thực tế; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thu chi tài chính). Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Đặng Văn Ngữ, Bộ đã nhận được báo cáo thực hiện "3 công khai" từ 150 trường ĐH và 227 trường CĐ. Tuy nhiên trong đó chỉ có 34% các trường báo cáo đầy đủ các nội dung. Nhiều trường tới nay vẫn chưa công khai trước dư luận vì chưa có trang web. Ông Đặng Văn Ngữ nhìn nhận tỷ lệ nói trên là thấp và giải thích: Đây là năm đầu tiên thực hiện, thời hạn gửi báo cáo lại gấp nên nhiều trường còn lúng túng, nhất là nội dung liên quan đến chuẩn đầu ra. Ông Ngữ cũng cho biết, với các trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá lớn (theo quy định là tối đa 25 sinh viên/giảng viên), hay chưa đạt diện tích sàn xây dựng theo quy định (tối thiểu 2m2/sinh viên), Bộ sẽ xem xét lại chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đạt định mức quy định. Đồng thời, trường thiếu giáo viên sẽ được yêu cầu tăng số lượng giảng viên để chậm nhất là đầu năm 2012 đạt được mức như quy định.

Giảng viên người Arập dạy tiếng cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Mặc dù có tới 6% số trường chưa có trang web và 46% chưa có báo cáo đầy đủ về "3 công khai" tới Bộ, song Vụ trưởng Đặng Văn Ngữ vẫn cho biết 100% các trường đã thực hiện "3 công khai" và sẽ không có trường nào bị xử lý cắt chỉ tiêu tuyển sinh. Thay vào đó, Bộ sẽ xem xét mức độ thực hiện "3 công khai" của từng trường cũng như các tiêu chí khác để xem xét việc giao chỉ tiêu. Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn cho rằng: Việc chưa có chế tài xử lý và kỷ cương chưa nghiêm nên các trường chưa thực hiện "3 công khai" một cách đầy đủ. Hiện nhiều trường vẫn chưa đưa thông tin lên trang web mà Bộ vẫn không có chế tài xử lý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì cho rằng, sau khi "3 công khai" thì vấn đề tiếp theo là chất lượng của "3 công khai" như thế nào? Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH QG Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Các trường tự tuyên bố, kê khai chất lượng của mình là một chuyện; cần phải có cơ quan kiểm định để ghi nhận chất lượng đó đến đâu.

Đổi mới quản lý là đổi mới cách làm

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đề cập đến vấn đề đổi mới quản lý, đã đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của hiệu trưởng. Phó Thủ tướng chỉ ra: Sau đề án đổi mới tài chính, việc cần thiết tiếp theo là làm rõ cơ sở pháp lý để chi trả cho người làm tốt hơn, theo hướng hiệu trưởng có quyền trả lương theo hiệu quả công việc. Hy vọng cơ chế chi trả lương sẽ là khâu đột phá và mong các trường chủ động xây dựng phương án cùng với sự hỗ trợ của Bộ.

Vấn đề này cũng là mối quan tâm của nhiều hiệu trưởng. Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ Trần Văn Tuấn cũng bày tỏ quan điểm: Để đổi mới giáo dục ĐH cần kịp thời đưa ra các văn bản, quy phạm. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hệ thống đó, điều quan trọng nhất là thực hiện cho nghiêm, cho hiệu quả. Ông Tuấn nêu ví dụ: Việc hiệu trưởng chi trả cho cán bộ, giảng viên hiện nay đã có chủ trương nhưng rất khó thực hiện vì có rất nhiều thông tư liên quan, trong một trường lại có nhiều nhóm hưởng khung thù lao khác nhau, rất phức tạp. Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH QG Hà Nội) Phùng Xuân Nhạ cũng phát biểu: Chúng tôi cũng mong có cơ chế để tự trả lương song việc này rất khó khăn vì không có chế tài.

Bên cạnh khẳng định vai trò của các hiệu trưởng, Bộ GD-ĐT cũng cam kết sẽ tiến hành thực hiện việc các hiệu trưởng đánh giá bằng văn bản sự lãnh đạo của Bộ đối với các trường, đối với các vụ cũng như vậy. Tương tự, các giám đốc sở cũng sẽ đánh giá sự quản lý của Bộ và các vụ về giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo thực hiện "3 công khai" từ 150 trường ĐH và 227 trường CĐ.

119 trường ĐH đạt tỷ lệ dưới 25 SV/giảng viên (đây là tỷ lệ quy định); 31 trường ĐH có cao hơn 25 SV/giảng viên (chủ yếu là các trường thuộc khối kinh tế, khoa học xã hội, 15 trường công lập, 16 trường ngoài công lập). Có 17 trường có 25 - 30 SV/giảng viên, 4 trường có hơn 40 SV/giảng viên (hầu hết là trường ngoài công lập khu vực TP Hồ Chí Minh). Có 171 trường CĐ đạt tỷ lệ quy định, 56 trường có tỷ lệ lớn hơn quy định.

So với diện tích sàn xây dựng quy định là ít nhất 2m2/SV, có 20% số trường ĐH và 16% số trường CĐ không đạt.

Trong 67 trường ĐH báo cáo, 13 trường có mức thu nhập bình quân giảng viên dưới 3 triệu đồng/tháng, 44 trường từ 3-6 triệu đồng, 2 trường trên 10 triệu đồng, 4 trường 6-8 triệu đồng, 4 trường từ 8-10 triệu đồng/tháng/người.

Trong 61 trường CĐ có báo cáo, 88,5% số trường có mức thu nhập bình quân 3-6 triệu đồng/tháng/người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Đổi mới quản lý là đổi mới cách làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.