Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Đối đầu với thách thức về chất lượng

Quỳnh Phạm| 30/10/2011 06:32

(HNM) - Hôm qua, 29-10, Bộ GD-ĐT đã sơ kết hơn một năm thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012, đồng thời tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH, CĐ.

Một giờ học tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm


Siết chặt quản lý

Sự kiện này càng được dư luận chú ý trong bối cảnh giáo dục ĐH đang được nhiều người quan tâm như hiện nay. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, cuộc vận động đã được triển khai một cách sâu rộng trong tất cả các trường ĐH, CĐ toàn quốc, tạo ra một bước chuyển biến trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm của cán bộ cũng như SV các trường. Đây chính là dịp các trường đánh giá đúng mức, khách quan những mặt được, chưa được, chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế trong mọi hoạt động của trường, nhất là đánh giá toàn diện năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo cũng như thực trạng công tác quản lý ở tất cả các cấp, từ bộ môn đến khoa, phòng, ban và cấp trường. Các trường đã tập trung đổi mới công tác quản lý cán bộ, quản lý tài chính, quản lý chương trình giảng dạy, giáo trình và ban hành nhiều văn bản, quy định thống nhất trong nhà trường...

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sau hơn một năm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng và chương trình hành động của Bộ, một số trường còn triển khai thực hiện Chỉ thị một cách hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và một bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, dù có nhiều biện pháp đã được triển khai song "đầu mối từ phía các trường còn hạn chế". Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng công nhận thái độ quyết liệt của Bộ trong việc "đối đầu với vấn đề chất lượng", thể hiện qua việc siết chặt việc thành lập trường mới: Trong năm 2006-2007 thành lập 39 trường mới, trong năm 2008-2009 có 17 trường được thành lập, từ năm 2010-2011 có 23 trường, theo xu hướng là giảm một nửa. Hơn nữa, với tinh thần chung là nâng cấp trường ĐH từ trường CĐ là chính nên số trường hoàn toàn mới không nhiều, chỉ chiếm 39% số trường được thành lập.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, năm vừa rồi, Bộ đã xử lý các trường không bảo đảm điều kiện đào tạo và đóng cửa 101 ngành đào tạo tiến sĩ, chấn chỉnh việc tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở 2, phân hiệu không đúng quy định; tạm ngừng tuyển sinh ĐH hệ chính quy của Trường ĐH Công nghệ Đông Á và Trường ĐH Phan Châu Trinh. Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy cũng được thực hiện theo lộ trình, năm ngoái giảm còn 80% so với chính quy (trước kia tương đương nhau), năm nay còn khoảng 60%. Mặc dù nhiều trường "sốc" với "liệu pháp" này, nhưng về tổng thể sẽ vẫn phải giảm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Còn nhiều việc phải làm

Trong năm 2011-2012, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, đặc biệt là các trường trọng điểm tiếp tục giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học, giảm dần đào tạo các trình độ dưới ĐH, tăng quy mô đào tạo sau ĐH và nâng cao chất lượng ĐH chính quy; tiếp tục rà soát các cơ sở đào tạo thạc sĩ. Dựa trên kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét đình chỉ tuyển sinh đối với các cơ sở hoặc các chuyên ngành nếu không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định...

Bên cạnh việc phân cấp mạnh mẽ cho các trường, Bộ cũng chủ trương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cam kết theo đề án thành lập trường,  khắc phục và tiến tới xóa bỏ hiện tượng học hộ và thi hộ. Lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh CĐ, ĐH cũng sẽ được xây dựng theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả. Liên quan đến các nội dung này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ phải ra các văn bản để kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh, quản lý và đối với  của hệ vừa làm vừa học. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra các cam kết khi xin phép thành lập trường và xử lý các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng điều kiện đã cam kết. Đặt câu hỏi tại sao chưa có trường nào bị xử lý vì lý do trên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng lập danh sách các trường cần kiểm tra và kết thúc sớm việc rà soát.

Về phía các trường, cần xây dựng kế hoạch để phát triển đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến năm 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng "đại học dạy đại học". Trước tình trạng còn 33% số trường chưa tự đánh giá và một số trường không công bố cam kết chất lượng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề có nên gắn trách nhiệm của họ với quyền lợi khi tuyển sinh hay không và đề nghị, năm 2013, các trường cần có cam kết để có nền tảng bảo đảm chất lượng trước mùa tuyển sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Đối đầu với thách thức về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.