(HNM) - Nhu cầu nhà ở chưa được thỏa mãn cùng với việc coi nhà đất là một
Nhưng thực tế là biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ từ các cơ quan chức năng lại khó thực hiện mà chủ yếu trông chờ vào sự tỉnh táo, thông thái của các cá nhân tham gia giao dịch nhà đất...
Thời gian gần đây, nhiều vụ lừa đảo mua bán nhà đất bắt đầu lộ diện, trong đó có những vụ việc diễn biến từ nhiều năm trước vào những thời điểm xảy ra sốt đất. Nguyên nhân là do buôn bán bất động sản được coi là một hình thức đầu tư để sinh lời, nên chỉ cần nghe đối tượng lừa đảo mô tả về dự án là nhiều người sẵn sàng giao tiền mua nhà, đất. Khi cơ quan CA bắt tay vào điều tra, có kết quả xác minh thì nạn nhân mới biết rằng căn hộ mình bỏ tiền mua hoàn toàn không có thật. Đến lúc đó thì kẻ lừa đảo đã tiêu gần hết tiền, không có khả năng thanh toán.
Với những khách hàng có nhiều thông tin, các đối tượng lừa đảo áp dụng những thủ đoạn tinh vi hơn, chủ yếu là mượn danh các công ty, tập đoàn lớn, có danh tiếng để lừa đảo. Chúng vờ như tham gia được vào các dự án lớn bằng hình thức góp vốn, liên doanh, sau đó rao bán "lúa non". Khi được tận mắt, tận tay tiếp cận với những giấy tờ, hợp đồng "như thật" của bọn tội phạm, nhiều nạn nhân sẵn sàng bỏ tiền mua dự án trên giấy. Trong một số vụ án, kẻ gian đã dùng thủ đoạn gian dối là tạo ra một số giấy tờ giả, tạo dựng sơ đồ, vị trí thửa đất và dẫn người có nhu cầu đến xem để tạo lòng tin, tự soạn các thông báo của cơ quan chức năng về tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm mục đích lừa đảo...
Điều đáng lo ngại qua các vụ án này là ngay cả cơ quan CA cũng không chỉ ra được biện pháp chủ động phòng ngừa. Đặc thù giao dịch nhà đất thường được 2 bên thỏa thuận riêng, ngại công khai. Người bán thường chiếm thế chủ động về giấy tờ, tiền đặt cọc, phương thức thanh toán... Nhiều vụ việc chỉ được phát hiện là có dấu hiệu lừa đảo khi người mua đất hoàn tất những thủ tục cuối cùng tại cơ quan chính quyền địa phương, công chứng. Thậm chí, người bị hại chỉ phát hiện bị lừa khi chuẩn bị dọn đến "nhà mới", vội vàng trình báo cơ quan CA thì đối tượng đã "ôm" tài sản bỏ trốn từ lâu, gây khó khăn cho việc xử lý. Quá trình tố tụng, đối tượng lừa đảo khắc phục hậu quả, đền bù được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Với những bị hại phải vay mượn để mua nhà, đất, thiệt hại rất khó đo đếm... Nổi bật như vụ án vừa được cơ quan tố tụng của Hà Nội hoàn tất cáo trạng. Bị can là Nguyễn Văn Hòa (SN 1963, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy" bị đề nghị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Từ năm 2004, Nguyễn Văn Hòa đã nghĩ ra trò chào bán căn hộ "ảo", chiếm đoạt hơn 640 triệu đồng của một đồng nghiệp cùng cơ quan. Vụ Đinh Thị Hải (SN 1955, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) lừa đảo bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, chiếm đoạt 1 triệu USD, tại thửa đất 36B đường Trần Hưng Đạo...
Báo cáo của BCĐ 197 TP Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, nhất là trong năm 2010, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, mức độ thiệt hại tài sản ngày càng lớn, nổi lên là hành vi lừa đảo trong thực hiện các dự án bán nhà, mua bán đất... Mặc dù nhận định được như vậy, nhưng cơ quan chức năng cũng chưa chỉ ra được biện pháp nghiệp vụ, chưa xây dựng được chuyên đề có tính chất tổng quát, có thể áp dụng trên diện rộng để thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn.
Rõ ràng, với loại tội phạm này, trước mắt, vai trò tự phòng ngừa của người dân vẫn phải là cốt yếu. Trong mỗi giao dịch, người mua - nhà đầu tư phải tự tìm cách thẩm định mức độ an toàn của thương vụ. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về công tác quy hoạch, chính sách nhà đất, đồng thời xây dựng những chính sách pháp luật liên quan, nhằm minh bạch hơn nữa giao dịch mua bán nhà đất, hạn chế kẽ hở để kẻ gian lợi dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.