Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giành ngôi đầu: Mục tiêu không đơn giản

Minh An| 05/08/2022 11:09

(HNMCT) - Mới đây, tại cuộc họp Ban tổ chức Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X - năm 2022, mục tiêu giành ngôi Nhất toàn đoàn ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 (diễn ra vào tháng 11) được đặt ra với ngành Thể thao Hà Nội. Bốn năm trước, đó là điều không phải bàn cãi nhưng đến lúc này, Hà Nội cần có giải pháp thật sự quyết liệt để biến mục tiêu thành hiện thực.

Đội bóng bàn nam Hà Nội giành ngôi vô địch quốc gia năm 2022 nhưng vẫn cần được đầu tư nhiều hơn để thi đấu thành công ở Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới.

Quá nhiều khó khăn

Từ lâu, các địa phương, ngành tại Việt Nam vẫn luôn đề cao thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Không hẳn thành tích tại các giải quốc tế của vận động viên (VĐV) mà chính thành tích ở Đại hội Thể thao toàn quốc mới là yếu tố quyết định để đánh giá công tác đầu tư cho thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao của địa phương, đơn vị.

Chính vì vậy, luôn có cuộc chạy đua quyết liệt để cạnh tranh từng tấm huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Thể thao Hà Nội cũng vậy, luôn xem đấu trường này là nơi khẳng định vị thế, từ đó tính toán đến những mục tiêu xa hơn. Tại Đại hội lần thứ IV - năm 2002, thể thao Hà Nội lần đầu lên ngôi Nhất toàn đoàn. Cho đến Đại hội lần thứ VIII - năm 2018, Hà Nội vẫn giữ được ngôi vị đó. Thế nên, đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, mục tiêu giành ngôi Nhất toàn đoàn được đặt ra là điều đương nhiên.

Quá hiểu điều đó nên từ sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, thể thao Hà Nội đã bắt tay xây dựng, chuẩn bị lực lượng bên cạnh việc đầu tư cho VĐV tham dự SEA Games, ASIAD, Olympic... Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng khẳng định, việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đã được chú trọng từ các năm trước. Các đội tuyển đã được định hình từ lâu.

Nhưng rõ ràng là với thể thao Hà Nội, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ khó khăn gấp bội so với các lần trước. Chu kỳ chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2022 đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế của nhiều đội thể thao Hà Nội bị phá sản. Thậm chí, ngay cả việc tập luyện trong nước của nhiều môn cũng không thể diễn ra, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của VĐV. Tất nhiên đây là việc “khó người, khó ta”.

Cũng còn lý do khác liên quan đến thủ tục hành chính khiến không ít cuộc tập huấn, thi đấu nước ngoài không thể diễn ra. Trong khi đó, tập huấn dài hạn và liên tục thi đấu ở nước ngoài nhờ ngân sách luôn là điểm ưu việt của thể thao Hà Nội so với các địa phương, ngành, từ đó thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển của VĐV. Nhiều thế hệ VĐV Hà Nội thành danh cũng nhờ được tập huấn liên tục tại nước ngoài hoặc được tạo điều kiện tối đa thi đấu ở nước ngoài. Nhưng hiện tại, đây không hẳn là ưu thế của thể thao Hà Nội.

Mục tiêu Nhất toàn đoàn dù là đương nhiên nhưng với thể thao Hà Nội lúc này, không dễ để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

Gạt đi nỗi lo

Kết thúc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, thể thao Hà Nội giành ngôi Nhất toàn đoàn với 176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ. Đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, thể thao Hà Nội tham dự với khoảng 1.500 người, trong đó có 271 huấn luyện viên, 1.109 VĐV. Tuy vậy, thể thao Hà Nội cũng chỉ đặt mục tiêu giành 135 - 140 HCV.

Khó khăn do dịch bệnh, lực lượng kế thừa không đông đảo và sự cạnh tranh từ các đơn vị khác tăng lên đáng kể, đó là những nguyên nhân quan trọng khiến những nhà quản lý thể thao Hà Nội chỉ đặt ra chỉ tiêu nói trên. Thêm vào đó là theo dự báo, Điều lệ từng môn thi đấu tại Đại hội tới (sắp được ban hành) cũng có thể bớt đi một số nội dung thế mạnh của thể thao Hà Nội, khiến cơ hội giành HCV giảm.

Khi Đại hội Thể thao toàn quốc chỉ còn chưa đầy 5 tháng là khai màn, nhiều đội tuyển của Hà Nội tỏ ra dè dặt khi đề cập đến chỉ tiêu huy chương. Điền kinh từng giành 9 HCV ở kỳ Đại hội năm 2018, lúc này chỉ tính tới việc giành khoảng 6 HCV. Môn bóng bàn cũng chỉ tính đến HCV ở các nội dung nam trong khi nội dung nữ lại bỏ ngỏ, kể cả khi đã kết hợp lực lượng của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội với câu lạc bộ Hà Nội T&T. Môn cử tạ cũng chỉ dự kiến giành 7 - 8 HCV thay vì trên 10 HCV như các lần trước. Môn bi sắt cũng chỉ đặt ra mục tiêu giành 1 - 2 HCV thay vì 3 HCV...

Nắm bắt được những khó khăn của thể thao Hà Nội trong việc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đã lưu ý các bộ phận chuyên môn lên kế hoạch tạo điều kiện cho các VĐV trọng điểm của Hà Nội được tham gia các đợt tập huấn quốc tế như bắn cung, bắn súng, đua thuyền, kiếm quốc tế, taekwondo, bắn súng, bi sắt, kick boxing, muay...

Dù khó khăn hiển hiện nhưng hy vọng các VĐV Hà Nội sẽ được tạo điều kiện tập huấn tốt hơn trong thời gian tới. Điều quan trọng là mỗi VĐV cần xác định rõ trách nhiệm, có niềm tin vượt khó để góp phần giúp đoàn thể thao Hà Nội hoàn thành mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giành ngôi đầu: Mục tiêu không đơn giản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.