Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thủ tục, tiết kiệm vốn

Nguyễn Mai| 18/12/2015 07:10

(HNM) - Khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ở các xã thường có những dự án đầu tư đơn giản, số vốn nhỏ, nếu thực hiện theo đúng quy trình thì rất rườm rà.

Linh hoạt thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM, Hà Nội vừa rút ngắn thời gian đầu tư vừa tiết kiệm được chi phí và thu hút được người dân chủ động tham gia. Ảnh: Thái Hiền


Tháo gỡ khó khăn trên, Hà Nội đã linh hoạt thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM, qua đó vừa rút ngắn thời gian đầu tư vừa tiết kiệm được chi phí và thu hút được người dân chủ động tham gia.

Tiết kiệm 20% chi phí đầu tư

Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai vừa được Tổ công tác của thành phố "chấm điểm" đạt các tiêu chí để được công nhận xã NTM năm 2015. Sau 4 năm nỗ lực xây dựng NTM, địa phương đã đầu tư xây dựng một loạt các công trình xây dựng cơ bản, trong đó nhiều công trình có sự tham gia và đóng góp rất nhiệt tình của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Tiến Khỏe dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường Xóm Cốc vừa hoàn thành. Đoạn đường có chiều dài khoảng 300m được đổ bê tông trên nền đường cũ với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Triển khai tuyến đường này, Nhà nước hỗ trợ một phần nguyên vật liệu, nhân dân góp ngày công và góp thêm kinh phí. "Chúng tôi họp dân thống nhất phương án và xây dựng dự toán khá đơn giản gồm chi phí nguyên vật liệu và nhân công. Không phải lập dự toán kinh tế kỹ thuật cầu kỳ nên thời gian triển khai rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường đã hoàn thành. Thôn Ngọc Than là thôn lớn nhất xã, đã làm đường giao thông được 26/30 ngõ; thôn Phú Mỹ cũng đã làm được 17/20 ngõ" - Phó Chủ tịch Bùi Tiến Khỏe cho biết.

Từ năm 2013, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư xây dựng NTM, TP Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM (lập, thẩm định, phê duyệt danh mục và dự toán công trình). TP Hà Nội áp dụng cơ chế này cho hai loại công trình là giao thông và thủy lợi thuộc thẩm quyền UBND các xã quyết định đầu tư cho các công trình có sự hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước dưới 3 tỷ đồng.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan ban hành các hướng dẫn về các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ xây dựng NTM. Sau hơn 2 năm thực hiện, Hà Nội đã có khoảng 1.800 công trình đào đắp và kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng; giao thông thôn, xóm áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư với số vốn hơn 3.800 tỷ đồng. Với số lượng các công trình đầu tư trên, ước tính thành phố đã tiết kiệm được 775 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% chi phí đầu tư.

Người dân là chủ thể

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn thành phố đã kiên cố hóa được 1.154km đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, 1.767km đường nội đồng; xây và cải tạo được 232km kênh mương; đào đắp dồn điền, đổi thửa được hơn 43 triệu mét khối với diện tích hơn 76.683ha. Từ đây, năng lực hệ thống giao thông, thủy lợi được nâng lên đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố cho rằng, thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM bên cạnh việc tiết kiệm được thời gian và chi phí (thuê thiết kế, đo vẽ, lập dự toán kinh tế - kỹ thuật; các khoản thuế, đấu thầu, quản lý...) tốn kém không cần thiết, cái được lớn hơn là huy động được sự tham gia của nhân dân trong xây dựng NTM theo đúng tinh thần chỉ đạo từ Trung ương: Người dân là đối tượng hưởng lợi và cũng là chủ thể trong xây dựng NTM.

Ở nhiều xã của các huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Thạch Thất... nhờ bàn bạc dân chủ, người dân đồng thuận cao đã góp công, góp sức vào xây dựng các công trình chung của thôn, xóm. "Thành phố chỉ đạo các địa phương, ưu tiên các công trình xây dựng nhỏ giao cho cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, tổ nhóm thợ ở các địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện, có sự giám sát của cộng đồng. Từ đây, vừa phát huy cao nhất vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM vừa bảo đảm chất lượng công trình và giảm được tối đa mức đầu tư" - ông Cương cho biết.

Đến nay, Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM với 172 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân tiêu chí đạt được/xã là 17,2%. Đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề để thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm thủ tục, tiết kiệm vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.