Một trong những hệ quả dễ nhận thấy, đó là tình trạng ùn tắc giao thông mà các đô thị lớn tại các nước đang phát triển tạo ra nhưng không muốn đón nhận.
Những tác động từ ùn tắc giao thông (UTGT) diễn ra nhanh, đa dạng và phức tạp, khiến Hà Nội đã gặp phải không ít khó khăn và tốn khá nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết, kiểm soát và đạt được sự phát triển bền vững cho Thủ đô. Xác định được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề để tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng UTGT đang là yêu cầu cấp bách của Hà Nội.
Nhu cầu và thực lực
Trong điều kiện hiện nay ở Hà Nội, nhu cầu đi lại được giải quyết duy nhất chủ yếu thông qua đường bộ, do đó quá trình mở rộng không gian đô thị là điều tất yếu. Quá trình đô thị hóa đã thu hút người dân ngoại tỉnh về để làm việc do cơ hội việc làm, học tập và sinh hoạt được cải thiện và đa dạng. Nhiều khu chức năng kinh tế, khu chức năng đô thị và các khu đô thị mới được hình thành kéo theo nhu cầu đi lại, khoảng cách đi lại, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông chất lượng cao… ngày một tăng làm mở rộng không gian đô thị. Tuy nhiên, không gian đô thị vô hình bị giới hạn một phần thông qua tiêu chí thời gian đi lại.
Năm 2005, theo báo cáo của Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP), thời gian đi lại trung bình tới nơi làm việc ở Hà Nội là 18-20 phút, tương ứng với khoảng cách trung bình khoảng 6-8km. Đến nay, thời gian đi lại trung bình đến nơi làm việc đã đạt ngưỡng 30-40 phút, tương ứng với khoảng cách trung bình 8-10km, tiệm cận đến ngưỡng của các đô thị lớn trong khu vực như: Malina và Jarkata là từ 40-50 phút, Tokyo và Osaka là từ 30-40 phút, tuy nhiên khoảng cách đi lại chưa tương xứng (do hiện nay chúng ta còn quá phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân) cũng có nghĩa quy mô đô thị chưa tương xứng. Trong khi đó, hệ số đi lại có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập hộ gia đình. Thu nhập càng cao, số chuyến đi bình quân ngày càng tăng cũng có nghĩa là nhu cầu giao thông ngày càng tăng.
Như vậy, UTGT không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội mà còn là một trong những yếu tố cản trở phát triển không gian đô thị. Nâng cấp cải thiện mạng lưới giao thông, thay đổi phương tiện giao thông nhằm tăng tốc độ, giảm thời gian đi lại là yêu cầu cấp thiết.
Phát triển phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn, mặc dù chính phủ và thành phố Hà Nội đã có các cơ chế, giải pháp nhằm khống chế tăng phương tiện cá nhân, tuy nhiên chưa có các loại hình giao thông thay thế nên việc khống chế phương tiện cá nhân chưa hiệu quả.
Hiện tại, Hà Nội có khoảng 5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô, chưa tính 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Mỗi năm, Thủ đô có hàng trăm nghìn xe máy cá nhân được đăng ký mới, với tốc độ này đến 2020, Hà Nội sẽ có khoảng hơn 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy.
Với số phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị, vượt 3,72 lần so với khu vực trung tâm.
Trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu chú trọng phát triển giao thông đường bộ, giao thông đường sắt đô thị đang dần hình thành. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đạt yêu cầu, đơn cử tính riêng cho 4 quận nội thành, tỷ lệ đất giao thông đạt khoảng 11,38% (tỷ lệ yêu cầu cần đạt khoảng 20-26%). Ngoài ra, tận dụng đất giao thông (vỉa hè) để kinh doanh cá thể, lấn chiếm đường dành cho người đi bộ. Trong khi đó, chất lượng giao thông công cộng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (thời gian, tiện nghi, quá tải…) nên không thu hút được người tham gia, thậm chí lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội còn có xu hướng giảm. Người dân Hà Nội vẫn giữ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân (chủ yếu xe máy) do tính linh động và tiếp cận phù hợp.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực nội thành gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ khi chưa có các hình thức giao thông khác hỗ trợ. Các cơ sở nhà máy, xí nghiệp di dời ra khỏi nội thành thay vì nhường đất để xây dựng các công trình công cộng hỗ trợ giao thông thì lại phát triển dịch vụ thương mại đô thị với quy mô lớn và mật độ cao. Đơn cử khu vực nhà máy, xí nghiệp, kho tàng: Nhà máy Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí chính xác, nhà máy dệt 8-3, cụm nhà máy xà phòng-thuốc lá-cao su… sau khi chuyển đổi thành đất xây dựng đô thị mới đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống đường bộ. Chỉ tiêu lao động đối với đất công nghiệp, nhà máy chỉ dao động từ 200-300 người/ha nay bị thay thế bởi đô thị với chỉ tiêu có nơi lên tới 10.000 người/ha (khu đô thị Linh Đàm, RoyalCity, TimeCity… ). Nhiều khu vực đất tại trung tâm thành phố thay thế bằng các công trình nhà ở, dịch vụ với hệ số sử dụng đất có nơi lên tới 25-30 kèm theo một lượng lớn người dân sinh sống và làm việc đã gây áp lực lên hệ thống đường bộ đô thị là loại hình giao thông duy nhất tại thành phố hiện nay, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm là không tránh khỏi.
Rất nhiều các khu vực đô thị xây dựng mới với chức năng hỗn hợp trên địa bàn trung tâm thành phố Hà Nội, dân số lưu trú tại chỗ và dân số sử dụng công trình, dịch vụ tạo ra các luồng giao thông giao thoa khối lượng lớn không chỉ vào giờ cao điểm.
Các giải pháp đồng bộ
Để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân, Sở GT-VT thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-SGTVT ngày 28-9-2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04-7-2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” với 06 nhóm giải pháp đồng bộ, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch, kế hoạch của thành phố Hà Nội, theo đó, từ năm 2017 đến năm 2020, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục thực hiện các danh mục công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trọng điểm đang triển khai và đề xuất các công trình mục tiêu nhằm giảm thiểu UTGT và đảm bảo an toàn giao thông; từ năm 2021 đến năm 2030, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và theo hình thức PPP nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn, đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả VTHKCC; đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị và các tuyến BRT phù hợp với điều kiện hạ tầng và phục vụ việc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị; mở rộng phát triển phương tiện xe buýt với sức chứa khác nhau (xe buýt sức chứa nhỏ, xe buýt 2 tầng,...) phù hợp với điều kiện hạ tầng các khu vực, các tuyến đường có mặt cắt khác nhau; xây dựng kế hoạch đưa vào khai thác các loại xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (LPG, CNG, xe buýt sử dụng năng lượng điện,...), xe buýt hỗ trợ người khuyết tật; phát triển mạng lưới tuyến buýt liên đô thị kết nối với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội (cự ly dưới 200km); phát triển hợp lý các loại hình VTHKCC khác như: xe hợp đồng, xe trung chuyển, xe đạp công cộng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ,... nhằm hỗ trợ VTHKCC khối lượng lớn, hình thành mô hình VTHKCC đô thị đồng bộ, liên hoàn; tăng cường kết nối đến các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, các phố, các khu dân cư tập trung đông đảm bảo cự ly tiếp cận hợp lý để tạo sự thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng (cự ly tiếp cận dưới 500m); tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội sẽ tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường bằng các giải pháp hành chính, theo đó, phân làn, phân luồng ô tô theo hướng ưu tiên cho các loại hình VTHKCC, đặc biệt là xe buýt nhanh BRT; nghiên cứu dừng hoạt động đối với xe máy trên một số tuyến trục chính và trên địa bàn một số quận vào giai đoạn 2025-2030; dừng hoạt động trên địa bàn các quận vào năm 2030; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông (hệ thống giao thông thông minh) nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông, quản lý các dịch vụ phục vụ giao thông, công tác giám sát xử lý vi phạm giao thông, công tác khắc phục sự cố giao thông...; phân làn, phân luồng quy định thời gian hoạt động của phương tiện (xe buýt, xe khách, xe hợp đồng, xe taxi,... kết nối với các tuyến đường sắt trên cao, đường sắt đô thị) đảm bảo kết nối thuận tiện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy, tăng cường xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường các tuyến phố thuộc 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) tiến tới cấm sử dụng vỉa hè để trông ô tô, xe máy, dành vỉa hè cho người đi bộ; tiếp tục đầu tư các bến xe khách liên tỉnh ra ngoài khu vực vành đai 3 và vành đai 4 nhằm hạn chế xe khách liên tỉnh đi vào khu vực trong vành đai 3 để giảm UTGT.
Đồng thời, tập trung bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối thuận tiện giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng; tiếp tục rà soát tổ chức di dời bến xe, cơ quan, trường học, bệnh viện theo quy hoạch, ưu tiên sử dụng quỹ đất dành cho mục đích công cộng (công viên cây xanh, bãi đỗ xe, điểm trung chuyển,...); hoàn thiện và triển khai đầu tư xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối thuận tiện; bố trí hợp lý hệ thống giao thông tĩnh phục vụ kết nối thuận tiện giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân và các điểm trông giữ xe để phục vụ các tuyến phố đi bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.